Nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Huyện Cam Lâm đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn huyện NTM.
Phấn đấu xã cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới
Đến nay, huyện Cam Lâm chỉ còn xã Sơn Tân chưa đạt chuẩn NTM. Đây là xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền, nhân dân nơi đây đang nỗ lực hết mình để về đích NTM vào năm 2024 theo kế hoạch. Ông Trần Quang Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết, đến nay, địa phương đã đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí (thu nhập, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều) chưa đạt, xã đang tập trung triển khai kế hoạch điều tra rà soát để đạt tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13%; hiện đã có kinh phí để triển khai xây mới 8 căn nhà tạm, dột nát; đồng thời, xã cũng vừa thực hiện xong điều tra thu nhập của dân cư là 48 triệu đồng/người/năm.
Những năm qua, xã đã triển khai các giải pháp cũng như mô hình sinh kế để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Từ nguồn lực của 3 chương trình gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025, xã đã hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao và trao sinh kế là bò giống, heo giống. Xã có diện tích 5.510ha, trong đó gần 5.000ha là đất rừng phòng hộ, còn lại hơn 510ha đất sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi hơn 250ha diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng xoài, sầu riêng, chuối để nâng cao đời sống cho người dân. Được sự hỗ trợ của địa phương, từ năm 2020 đến nay, gia đình ông Mấu Tiếp (thôn Suối Cốc) đã chuyển 2,8ha đất trồng điều sang trồng khoảng 1.000 gốc xoài (Nhà nước hỗ trợ 420 gốc) và trồng xen canh chuối. “Nhờ được hỗ trợ cây giống và vốn vay mà gia đình tôi có điều kiện làm ăn. Năm nay, ngoài thu hoạch 1ha xoài vụ đầu tiên được 12 triệu đồng, hàng tháng gia đình tôi còn bán được 4 triệu đồng tiền chuối, chưa kể tiền bán lá chuối, bắp chuối. Từ một gia đình thiếu thốn, phải vay mượn để trang trải cuộc sống, giờ đây kinh tế gia đình tôi dần ổn định”, ông Tiếp chia sẻ.
Nỗ lực hoàn thành
Xã Cam Tân đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đạt NTM nâng cao vào cuối năm. Những năm qua, xã đã thực hiện tốt các tiêu chí, nhất là về an ninh trật tự. Từ nguồn ngân sách và đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân, xã thực hiện mô hình “Camera giám sát, đảm bảo an ninh, trật tự”, thực hiện lắp đặt 40 camera tại các điểm quan trọng trên Quốc lộ 1; tuyến đường liên xã, liên thôn; vị trí trọng yếu. Không chỉ góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật mà mô hình còn cung cấp thông tin, trích xuất dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh làm rõ 40 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ông Nguyễn Võ Luân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Cam Tân đã đạt NTM vào năm 2015; đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa hoàn thành xã đang chỉ đạo các bộ phận liên quan thu thập các hồ sơ minh chứng, cố gắng hoàn thành trong tháng 9.
Nhờ những nỗ lực của các địa phương, huyện Cam Lâm đã có 11/12 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã Cam Hải Tây và Cam Thành Bắc đạt chuẩn NTM nâng cao. Tình hình kinh tế của huyện có mức tăng trưởng ổn định; y tế và giáo dục được chăm lo kịp thời; nét đẹp về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; công tác đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trong thực hiện vẫn còn gặp khó khăn như: Một số công trình cần đầu tư nhưng không phù hợp với các quy hoạch phân khu hiện tại nên không thể thực hiện; khả năng nguồn lực của huyện còn hạn chế trong việc đảm bảo để hỗ trợ cho các xã xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; nguồn lực đóng góp của người dân cho xây dựng NTM không nhiều…
Theo ông Đặng Chí Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2025, huyện đã tìm các giải pháp, cách làm mang tính tháo gỡ đối với một số tiêu chí, lĩnh vực còn khó khăn mang tính khách quan như: Quy hoạch, môi trường, chuyển đổi số, thông tin và truyền thông; việc cam kết đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí đối với các công trình thiết yếu cần đầu tư. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp lồng ghép các nguồn vốn; triển khai kế hoạch, lộ trình, mốc thời gian hoàn thành từng tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể; kiểm tra đôn đốc, có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết các nguồn vốn được giao theo đúng niên độ; tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo định hướng chiến lược “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm”; đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…