Bộ Công Thương: Chấn chỉnh kịp thời hoạt động kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các địa phương
Tại phiên chất vấn chiều 15/8, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về việc sản xuất xăng dầu giả của đại gia Trịnh Sướng, vụ Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt Nam...
Xăng giả - trách nhiệm không chỉ của Bộ Công Thương
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu vấn đề, trong nhiệm vụ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành thế nào khi để xảy ra vụ sản xuất xăng dầu giả rất lớn mới phát hiện; làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam như vụ Asanzo gây thiệt hại uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt?
Giải trình chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra, trong công tác kiểm tra, đấu tranh chống hàng lậu, đặc biệt hàng giả, xăng dầu là mặt hàng trọng yếu. Hàng loạt các Chỉ thị của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng như của Bộ Công Thương được ban hành tập trung vào yêu cầu các Sở Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), QLTT địa phương phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia để kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu. “Tuy nhiên, sự phối hợp của các lực lượng Ban 389 Quốc gia tại địa phương chưa kịp thời và hiệu quả, đặc biệt trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trên thị trường”- Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, với mặt hàng xăng dầu, trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng thuộc Bộ Khoa học công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế.
QLTT có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật và trước mắt, trong khi chờ đợi kết luận của Công an, cần làm rõ trách nhiệm và lỗ hổng của pháp luật liên quan đến lực lượng quản lý Nhà nước từng ngành, từng lĩnh vực. “Chúng tôi sẽ nghiêm túc cùng với các lực lượng chức năng nghiên cứu rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như tổ chức lại các công việc kiểm soát tại QLTT địa phương gắn với chức năng trách nhiệm rõ ràng hơn”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, kế hoạch đảm bảo chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và các địa phương.
Làm rõ hơn trách nhiệm thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Công an thông tin thêm về vụ án xăng giả. Bộ trưởng Công an Tô Lâm đồng tình với đánh giá Bộ trưởng Công Thương đưa ra. Ông nhận định, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái đang có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm soát.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm, sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án buôn bán xăng giả thuộc doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng. Vụ sản xuất xăng giả này đã diễn ra nhiều năm, nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, phạm vi cung cấp xăng giả rất rộng bao gồm các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và đã lan ra một số địa phương phía Bắc.
"Quá trình điều tra vụ án cũng giúp cơ quan công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ như tại sao có tình trạng một số ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường lại bốc cháy" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư Made in Vietnam
Về vấn đề hàng giả gắn mác “Made in Vietnam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trên thực tế đã có khung khổ pháp luật để điều chỉnh những sản phẩm sử dụng xuất xứ Việt Nam. Căn cứ theo Nghị định 43 được ban hành dựa trên Luật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như Nghị định 31 được ban hành mới đây dựa trên cơ sở của Luật quản lý Ngoại thương.
Bộ trưởng chỉ rõ, nội dung Nghị định 43 yêu cầu các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khi sản xuất các sản phẩm phải công bố và đăng ký ghi chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình. Nghị định 31 hướng tới việc cung cấp các điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm của mình được sử dụng xuất xứ của Việt Nam để được thuế quan ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam đối với các nước và trong đó quy định rõ hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam phải tối thiểu 30%. “Chính vì vậy, thời gian qua, phần lớn hoạt động xuất xứ hàng hóa cho xuất khẩu đã nhận được sự kiểm soát nghiêm của cơ quan Hải quan cũng như cơ quan thuế”- Bộ trưởng chỉ ra.
Tuy nhiên, Nghị định 43 mới dừng ở mức đăng ký xuất xứ nhưng chưa có tiêu chí và hàm lượng cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp khi cung cấp sản phẩm của mình được đăng ký xuất xứ hoặc là sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi đã phát hiện vấn đề này trong thời gian qua và hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã xin phép Chính phủ để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam. Trên cơ sở Quy định chung của Tổ chức Hải quan thế giới cũng như Tổ chức thương mại thế giới, Bộ Công Thương đã hoàn thành Dự thảo bước đầu về sản phẩm được sử dụng xuất xứ tại Việt Nam để hướng dẫn chung cho tất cả sản phẩm sản xuất có giá trị gia tăng được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam”- Bộ trưởng khẳng định
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, với các quy định đề ra, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có quyền tự đăng ký, tự công bố và chịu trách nhiệm, các cơ quan chức năng cũng có căn cứ để giám sát những thông tin được công bố của doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và sản phẩm phục vụ xuất khẩu.