Bộ Công Thương chỉ đạo nóng về đàm phán giá điện gió, điện mặt trời
Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành; Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các cục liên quan về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp. Trước đó, ngày 24/5, Bộ cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi EVN về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện theo chỉ đạo.
Đối với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, Bộ Công Thương đề nghị khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát thủ tục để sớm cho vận hành lên lưới điện.
Với các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5/2023 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
"Chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như: Thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn), hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định trước 27/5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm. Xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan", Bộ Công Thương yêu cầu EVN.
Bộ Công Thương cũng đề nghị EVN khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục nhưng chặt chẽ hợp lý và đúng quy định.
Ngoài ra cơ quan quản lý cũng yêu cầu, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Bộ cũng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cục Điều tiết điện lực khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Theo EVN, tính đến ngày 24/5/2023, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Trong đó, có 24 dự án đề nghị giá tạm.
Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Bên cạnh đó, với 24 dự án đề nghị giá tạm, EVN và các chủ đầu tư đã thống nhất được giá tạm của 20 dự án (trong đó có 19 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm; 01 dự án đã hoàn thành đàm phán, hiện đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm). 4 dự án còn lại, EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
19 nhà máy điện gió, điện mặt trời được thống nhất giá tạm
Mới đây, tại Hội nghị giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương.
Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, có 19 dự án/hoặc một phần dự án bao gồm: Các nhà máy điện gió Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh, Ia Le 1, Hướng Linh 7; các nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450 MW).
Các nhà máy trên với công suất tổng cộng 1.347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm. EVNEPTC và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện.
Trước những vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, đi đến ký kết để phát điện theo giá tạm của các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chia sẻ, để tạo điều kiện cho việc thỏa thuận giá tạm, các nhà đầu tư khi nộp hồ sơ chỉ cần có giấy phép hoạt động điện lực, biên bản nghiệm thu của Bộ Công thương. Còn các điều kiện khác, sẽ hoàn thiện khi COD.
Còn về thử nghiệm, theo ông Sơn Hải, các nhà máy chưa làm thử nghiệm bắt buộc làm thử nghiệm. Trường hợp, trước đây, dự án làm thử nghiệm nhưng không phải cho COD mà phục vụ nghiệm thu với đối tác, thì sẽ cần thời gian xác nhận lại.