Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mật ong
Trả lời phóng viên TTXVN trước thông tin Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Việt Nam, bà Phạm Châu Giang- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 17/11/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Theo đó, DOC đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam là từ 410,93- 413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng. Dự kiến kết luận cuối cùng sẽ ban hành vào tháng 4/2022.
Thông tin từ Hội Nuôi ong Việt Nam cho thấy, cả nước ước tính có trên 1,7 triệu đàn ong với 3,5 vạn người nuôi ong và có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 60 nghìn tấn mật ong cùng nhiều sản phẩm từ ong khác; trong đó, hơn 80% sản lượng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nếu mức thuế sơ bộ cao như hiện nay tiếp tục được duy trì trong kết luận cuối cùng, các doanh nghiệp cho biết khó có thể xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ. Từ đó, ngành nuôi ong của Việt Nam phải tìm thị trường xuất khẩu thay thế và có thể bị thu hẹp trong ngắn hạn.
Theo bà Phạm Châu Giang, trên thực tế, mặt hàng mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2020.
Báo cáo này được Cục Phòng vệ thương mại xây dựng định kỳ hàng quý và gửi cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội để phối hợp theo dõi và xử lý.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, ngay khi nhận được thông tin về khả năng Hoa Kỳ điều tra vụ việc, từ tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi họp với Hội Nuôi Ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ để cung cấp các quy định liên quan của Hoa Kỳ và hướng dẫn Hội, các doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó.
Cũng theo bà Phạm Châu Giang, ngay khi DOC khởi xướng vụ việc, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao đổi vụ việc với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc song phương.
Bộ Công Thương cũng thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các phương án ứng phó trước khi DOC ban hành kết luận điều tra sơ bộ.
Bên cạnh đó, Hội nuôi ong, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của ta đã chủ động phối hợp với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và luật sư tư vấn để hỗ trợ trả lời bản câu hỏi điều tra và hợp tác với DOC trong suốt quá trình điều tra.
Đáng lưu ý, khi Hoa Kỳ ban hành kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thư gửi các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ như DOC, Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ nhằm bày tỏ quan điểm, đề nghị phía Hoa Kỳ đánh giá một cách khách quan, công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngành mật ong Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã họp cùng các bộ, ngành liên quan, Hội Nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm trao đổi về vụ việc, chia sẻ khó khăn và phương án ứng phó trong thời gian tới..
Bà Phạm Châu Giang cho hay, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong theo dõi sát sao vụ việc.
Cùng với đó, hỗ trợ Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở giai đoạn điều tra tiếp theo và tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan; đẩy mạnh đối thoại với Hoa Kỳ ở các cấp đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin và các lập luận về mặt pháp lý, kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ.
Đặc biệt, sau khi đánh giá thị trường nội địa vẫn còn dư địa tăng trưởng, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật tại thị trường trong nước.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã giao Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ thị trường, Thương vụ các nước nghiên cứu, triển khai các chính sách, giải pháp xúc tiến thương mại phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mật ong, đặc biệt với những đối tác mà ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong trong nước có phương án ứng phó phù hợp, tích cực phối hợp với DOC và bày tỏ quan điểm trong giai đoạn điều tra tiếp theo; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong dài hạn.