Bộ Công Thương chủ động, tích cực gỡ khó cho nông sản tại cửa khẩu
Liên tục bám sát các diễn biến thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp; Chủ động có các chuyến công tác vào các thời điểm 'nóng' để kịp thời có các chỉ đạo gỡ khó cho thông quan nông sản; Phối hợp với các bộ ngành triển khai các biện pháp dài hơi để xuất khẩu nông sản bền vững… Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực gỡ khó cho hàng hóa nông sản bị ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc.
Nông sản gặp khó do chính sách “Zero Covid”
Liên tục từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng nông sản ùn ứ đã diễn ra tương đối nghiêm trọng tại các cặp cửa khẩu phía Bắc của nước ta. Nhưng thực tế, khoảng thời gian trước đó, nông sản vẫn được lưu thông bình thường.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhờ có sự vào cuộc kịp thời, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nên việc lưu thông hàng hóa qua biên giới phía Bắc về cơ bản vẫn được bảo đảm. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc 11 tháng năm 2021 đạt 1,7 tỷ USD, tăng tới 18,3% so với 11 tháng năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn tăng 32,5%; qua cửa khẩu Móng Cái tăng tới 62% so với cùng kỳ.
Tình hình chỉ chuyển biến xấu từ tháng 12/2021 tới nay, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là từ khi phía Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới. Mặc dù ta đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại. Phía bạn chủ động tăng cường các biện pháp quản lý như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn.
Đặc biệt, chỉ cần phát hiện dấu vết virus trên hàng hóa hoặc bao bì là phía bạn dừng ngay hoạt động thông quan để tiến hành khử khuẩn toàn khu vực. Nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa khẩu và thực hiện giãn cách xã hội để tầm soát, khoanh vùng, dập dịch. Các cặp cửa khẩu quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu như Hà Khẩu - Kim Thành (Lào Cai), Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh), thậm chí là cả cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều bị tạm dừng thông quan vì lý do này.
“Như vậy, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Bộ Công Thương chủ động vào cuộc
Trước tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc xảy ra vào thời điểm tháng 12/2021 và đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh biên giới đã rất tích cực vào cuộc để xử lý tình trạng ùn tắc này. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và ngày 13/01/2022 đã trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, trong đó có việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.
Không đứng ngoài cuộc, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần gửi thư cho các đối tác Trung Quốc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tổ chức hội đàm với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ách tắc tại khu vực cửa khẩu.
Bộ Công Thương cũng nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai. Đồng thời, gấp rút tổ chức họp Ban Chỉ đạo, đi kiểm tra chỉ đạo trực tiếp và có văn bản gửi các Bộ, ngành đề nghị cùng phối hợp thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021, Thông báo số 08/TB-VPCP và Thông báo số 56/TB-VPCP.
Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các quy định bảo đảm phòng chống dịch trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa; Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác thông tin, điều tiết, đảm bảo hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; Phối hợp với các địa phương biên giới trong hoạt động thông tin, điều tiết lưu thông, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu; chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc tạo điều kiện nâng cao hiệu suất thông quan, mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đồng thời đẩy mạnh khuyến nghị xuất khẩu chính ngạch.
Về dài hạn, Bộ còn xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững báo cáo Chính phủ thảo luận, ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2021 về việc tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước…
Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới trước Tết Nguyên đán đã có sự cải thiện đáng kể. 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta. Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Nhờ được gỡ khó trong thông quan qua các cửa khẩu phía Bắc, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản cả nước đạt 28 tỷ USD, tăng 12%. Giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã tăng mạnh như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%; cao su tăng 23%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%; cà phê tăng 12,3%; gạo tăng 5,5%; chè tăng 4,6%...
Tiếp tục các biện pháp dài hơi
Nếu như trước Tết Nguyên đán, tình trạng khó khăn đã phần nào được hóa giải thì kể từ sau Tết Nguyên đán, do phía Trung Quốc bắt đầu phát hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới nên cặp cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành đã tạm dừng thông quan từ 17/02/2022 để tầm soát - khoanh vùng - dập dịch. Cặp cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái tạm dừng từ 25/02/2022 và gần đây nhất cửa khẩu Hữu Nghị cũng tạm dừng thông quan từ 6/3/2022 với lý do tương tự.
Mặc dù các nguyên nhân khiến nông sản tiếp tục ùn tắc là hoàn toàn khách quan, song xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.
Kiên định gỡ khó, duy trì “dòng chảy” cho nông sản qua các cặp cửa khẩu phía Bắc, bước sang năm 2022, Bộ Công Thương xác định cùng các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu để hai bên cùng yên tâm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Mở cửa khẩu đã khó, giữ được cửa khẩu còn khó hơn. Do đó Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, lái xe đường dài tiếp tục kiên định thực hiện nghiêm túc phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”. Theo đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc.
Đặc biệt, cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…) để tận dụng các kênh xuất khẩu khác như đường biển, đường sắt. Với xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng Bộ tiêu chí về hàng hóa xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, sớm trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các địa phương vùng trồng, vùng nuôi thủy sản cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu này. Đồng thời, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản trên địa bàn chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng; chỉ đưa hàng lên biên giới khi khách hàng chấp nhận thanh toán chi phí lưu xe, lưu bãi và các chi phí phát sinh khác (nếu có)…
Bảo Ngọc