Bộ Công thương có trách nhiệm khi xảy ra sai phạm tại hàng loạt dự án điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương vừa công bố kết luận rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm của nhà đầu tư trong việc khai thác và sử dụng loại hình năng lượng này. Đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của EVN, các địa phương khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.

Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), theo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, những dự án có công suất dưới 1 MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35 KV thì việc thỏa thuận đấu nối sẽ do EVN thỏa thuận, thực hiện. Theo quy định, những dự án dưới 1 MW không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, do thời gian thực hiện phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà rất ngắn, nên Bộ Công Thương chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách, để đảm bảo cho đúng quy hoạch để quản lý, kiểm soát trong các dự án việc vượt công suất.

Ông BÙI QUỐC HÙNG - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương:“Trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ;Thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải - trái quy định của Thủ tướng Chính phủ."

Căn cứ các biên bản làm việc của đoàn kiểm tra tại những dự án điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho rằng, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, và TPHCM chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền. Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định; Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021, nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam , Bộ Công Thương cho biết, EVN thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư 18 ngày 17.7.2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến những đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà. Việc EVN ủy quyền cho các đơn vị thực hiện, nhưng chưa kịp thời kiểm tra, theo dõi đã dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.

Thực hiện : Hải Yến Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-cong-thuong-co-trach-nhiem-khi-xay-ra-sai-pham-tai-hang-loat-du-an-dien-mat-troi-mai-nha