Bộ Công thương đang rà soát đề xuất tăng giá điện
Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát theo đề xuất tăng giá điện của EVN, thực hiện đúng nội dung của Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Chiều 1/12, bên lề họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã cho biết, hiện nay giá đầu vào sản xuất điện cả Việt Nam và trên thế giới tăng khá cao, theo đó sẽ ảnh hưởng đến giá thành điện.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận mức lỗ hơn 16.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
"Bộ Công thương cũng thực hiện theo đúng nội dung tại quyết định này và đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát theo đề xuất của EVN để thực hiện đúng nội dung của Quyết định 24/2017/QĐ-TTg", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Trước đó, theo EVN, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.
EVN cũng đã quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí, như: tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho CBCNV bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022.
Đồng thơìi vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung.
Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.
Mặc dù, EVN đã nỗ lực, cố gắng để chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
Do đó, nếu vẫn giữ giá bán điện hiện hành đã được áp dụng kể từ tháng 3/2019 tới nay theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng thì ngành điện khó bù đắp khoản chi phí lỗ.
Ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng cho biết, giá bán điện bình quân ước cả năm của tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của đơn vị là 2.500 đồng/kWh, khiến đơn vị này đã bị lỗ 4.843 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, giá mua điện thị trường tăng khoảng 39% so với giá bán điện bình quân của đơn vị. Do đó, nếu vẫn giữ giá bán điện thì doanh nghiệp khó bù đắp khoản chi phí lỗ.
Với tình hình tài chính hiện nay, EVN cũng dự kiến không chỉ gặp khó khăn trong năm nay mà còn ở các năm tiếp theo.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay, bất chấp khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước và đẩy giá điện tăng mạnh.
Tuy nhiên, việc EVN thua lỗ trong kinh doanh điện do chi phí nhiên liệu đầu vào, tỷ giá tăng mạnh nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây tác động tới chuỗi sản xuất, kinh doanh điện khi EVN không có tiền để trả cho các bên bán điện, các nhà thầu thi công công trình trình điện. Như vậy, vấn đề đảm bảo điện cho nền kinh tế hoạt động bình thường sẽ có những thách thức nhất định.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-cong-thuong-dang-ra-soat-de-xuat-tang-gia-dien-d179140.html