Bộ Công Thương đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10%

Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu cụ thể cho năm 2025 với chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, ngành công thương đã đạt nhiều kết quả tích cực; trong đó, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD, vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023. Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Với kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng: Ngành công thương vững bước tiến vào năm 2025 với dự báo có nhiều biến động; trong đó, sự bất ổn của kinh tế toàn cầu tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Trước bối cảnh trên, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu cụ thể cho năm 2025 với chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024. Cùng đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024; trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) 82.097 MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024.

Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh,

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2025 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.

Mặt khác, tiếp tục xác định việc xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược; trong đó, khẩn trương triển khai cụ thể Luật Điện lực (sửa đổi); tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9; trình Quốc hội dự thảo Luật phát triển Công nghiệp trọng điểm, Luật Sử dụng băng lượng tiết kiệm hiệu quả trong năm 2025. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các FTA mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bên liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước, đàm phán mở cửa và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2025 và các năm tới.

Đặc biệt, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị đầu mối triển khai có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp công tác số 01/CTPH-BCT-BNNPTNT ký kết ngày 13/7/2021 "về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng những lợi thế trong năm 2025, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay, Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ ngành công thương làm mới động lực xuất khẩu tăng cường lồng ghép với nội dung về kinh tế thương mại cho hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.

Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới có những thay đổi căn bản của định hướng phát triển đất nước có nhiều đổi mới cần nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược mới cho hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp đề xuất chủ trương với sáng kiến do các nước lớn khởi xướng khuôn khổ liên kết với nội hàm mới của kinh tế số và năng lượng. Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tranh thủ cơ hội đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thu hút nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao phục vụ chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.

Tranh thủ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, phối hợp vận động xúc tiến đầu tư với tập đoàn, doanh nghiệp lớn và ngành kinh tế trọng điểm phù hợp với định hướng và quy hoạch kinh tế xã hội, nhất là kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò và sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trong đó, có Thương vụ Việt Nam với các Đại sứ Quán Việt Nam tại nước ngoài của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương trong nước trong xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước.

Tham luận tại hội nghị, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin: Năm 2024 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Đáng chú ý, hoạt động tiêu thụ hàng hóa qua thương mại điện tử, mạng xã hội vẫn rất khó kiểm soát và phức tạp.

Ông Chu Xuân Kiên- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/ BNEWS/TTXVN

Ông Chu Xuân Kiên- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/ BNEWS/TTXVN

Theo thống kê, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 5.124 vụ việc, tổng số tiền xử lý 143,641 tỉ đồng, phạt hành chính 70,565 tỷ đồng. Số vụ chuyển cơ quan điều tra là 43 vụ. Tổng số tiền thu được nộp ngân sách là 86,870 tỷ đồng, đạt 127% so với chỉ tiêu.

Để lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phát huy hiện quả, ông Chu Xuân Kiên kiến nghị các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy hoạch pháp luật tránh quy định chồng chéo, gây mâu thuẫn chế tài xử lý, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần có quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử và chế tài gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của các trang website bán hàng online. Đối với các hộ kinh doanh dưới hình thức online tại nhà cũng cần phải đăng ký kinh doanh để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt, xử lý mà không vi phạm về Luật nhà ở.

Ông Chu Xuân Kiên cũng đề nghị Tổng Cục Quản lý thị trường sớm hoàn thiện hệ thống có thể tra cứu dữ liệu của từng đội quản lý thị trường. Về tổng kết, đánh giá Nghị quyết 18 của Trung ương, Cục Quản lý thị trường được chuyển giao về các địa phương để thực thi công vụ. Vì vậy, cần tạo sự kết nối giữa các cấp, các ngành để phát huy hiệu quả.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-cong-thuong-dat-muc-tieu-san-xuat-cong-nghiep-tang-khoang-9-10/357806.html