Bộ Công Thương đề xuất 6 hành vi bị cấm trong mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch
Tại dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương đề xuất 6 hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
6 hành vi bị cấm khi mua bán qua Sở giao dịch
Theo dự thảo Nghị định, các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa quy định tại điểm d khoản 2 Điều 71 Luật Thương mại bao gồm:
1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức thị trường hàng hóa tương lai, kinh doanh hàng hóa tương lai, thanh toán bù trừ hàng hóa tương lai hoặc cung cấp dịch vụ về hàng hóa tương lai.
2. Sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch hàng hóa tương lai cho chính mình hoặc cho cá nhân hoặc tổ chức khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc môi giới cho tổ chức hoặc cá nhân khác giao dịch hàng hóa tương lai trên cơ sở thông tin nội bộ.
3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc giao dịch hàng hóa tương lai nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch hàng hóa tương lai bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá hàng hóa tương lai; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá hàng hóa tương lai.
4. Thực hiện hoạt động tổ chức thị trường hàng hóa tương lai, kinh doanh hàng hóa tương lai, các dịch vụ liên quan đến hàng hóa tương lai trái quy định của Nghị định này.
5. Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
6. Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch hàng hóa tương lai, đứng tên sở hữu hàng hóa tương lai hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá cả hàng hóa là tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai.
Nguyên tắc hoạt động và chức năng của Sở giao dịch hàng hóa
Dự thảo Nghị định nêu rõ, Sở giao dịch hàng hóa hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng, duy trì sự công bằng, trật tự và minh bạch của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai.
Sở giao dịch hàng hóa có chức năng cung cấp địa điểm và phương tiện cần thiết để thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai, tổ chức thị trường hàng hóa tương lai và giám sát giao dịch hàng hóa tương lai.
Sở giao dịch hàng hóa là đơn vị có lợi ích công chúng. Sở giao dịch hàng hóa được cấp phép và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hình thức tổ chức của Sở giao dịch hàng hóa
Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức sau: 1. Công ty cổ phần có các cổ đông sáng lập là pháp nhân hoặc cá nhân được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 09 Nghị định này (Điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa).
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó các thành viên là các thương nhân đủ điều kiện hoạt động kinh doanh hàng hóa tương lai.
Tên gọi của Sở giao dịch hàng hóa
Sở giao dịch hàng hóa phải chứa cụm từ "sở giao dịch hàng hóa" hoặc "sàn giao dịch hàng hóa" trong tên gọi.
Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng tên gọi trùng, tương tự hoặc có khả năng gây nhầm lẫn, gây hiều lầm với Sở giao dịch hàng hóa đã được cấp phép thành lập và hoạt động.
Chi tiết Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Nghị định, xem tại đây.
Bộ Công Thương cho biết, qua 18 năm thực hiện công tác quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển, thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch, tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật giao dịch điện tử 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024.
Theo đó, để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, kéo theo nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.