Bộ Công thương đề xuất giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu đầy đủ, liên tục cho thị trường
Chiều ngày 7/10, Bộ Công thương đã có Công văn số 6192/BCT-TTTN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước.
Nguyên nhân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngưng bán hàng
Bộ Công thương luôn khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đi lại của người dân. Song tình trạng nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa nghỉ bán với lý do hết xăng, hoặc bán cầm chừng, giảm cột bơm xăng… diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây ùn ứ ở nhiều cửa hàng, khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Tại Công văn số 6192/BCT-TTTN phát đi chiều ngày 7/10/2022, Bộ Công thương thông tin lý giải về tình hình thị trường xăng dầu trong nước có nêu rõ, những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trên diễn đàn xăng dầu với gần 32.000 thành viên tham gia, cũng phản ánh khó khăn phải tạm nghỉ, ngưng bán, treo biển chờ nhập hàng đang xảy ra khá phổ biến tại nhiều cây xăng ở TP. Hồ Chí Minh các tỉnh miền Tây.
Điển hình tại Vĩnh Long, qua kiểm tra cơ quan chức năng cho biết phát hiện 27 cửa hàng nghỉ lâu dài do hết vốn, nhiều cửa hàng có liên quan đến việc mua bán xăng dầu kém chất lượng. Ngoài ra Vĩnh Long còn có 14 cửa hàng xăng dầu mới xin nghỉ do hết hàng, hoặc đang sửa chữa nâng cấp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Cần Giờ (có hệ thống bán lẻ xăng dầu gồm 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý) đã có công văn gửi Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp nêu lý do, thời gian gần đây, thị trường trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng cho công ty. Vì vậy, công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình và có thể sẽ tạm ngưng hoạt động trong thời gian sắp tới.
Không để gián đoạn nguồn cung
Trước tình hình kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu đứt gãy, tại Công văn số 6192/BCT-TTTN, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý; các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt, Bộ Công thương cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bộ Công thương khẳng định đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong năm 2022. Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm như sau: quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.