Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ quản lý về sản xuất, lưu thông hàng hóa là thực phẩm... theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Bộ Công Thương vừa có văn bản thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Thanh Hoài tại cuộc họp liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới "chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương", thống nhất trong quá trình sửa Luật An toàn thực phẩm sẽ giao lại Bộ Y tế 8 mặt hàng hiện đang thuộc Bộ Công Thương quản lý về an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương quản lý về sản xuất và lưu thông sản phẩm hàng hóa nói chung.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm ngày 17/9 - Ảnh: Thu Hường

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm ngày 17/9 - Ảnh: Thu Hường

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá, an toàn thực phẩm rất quan trọng, về nguyên tắc không được để lọt các sản phẩm không đảm bảo ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện nay có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt về yêu cầu, quản lý theo hậu kiểm nguy cơ rủi ro cao về an toàn thực phẩm do không đủ lực lượng để hậu kiểm, cũng như quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu phải đẩy mạnh tiền kiểm trong sản xuất và lưu thông, với 2 phương thức, cụ thể: Những nội dung có thể định lượng được thì cần ban hành sớm các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những nội dung không định lượng được thì quy định điều kiện sản xuất kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.

Lãnh đạo Bộ Công Thương giao Vụ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất các đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm; Vụ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn; Cục Công nghiệp nghiên cứu điều kiện sản xuất kinh doanh theo Luật Đầu tư; Tổng cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm tổ chức hậu kiểm đối với việc chấp hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và điều kiện kinh doanh thực phẩm.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo trước ngày 30/11/2024.

Trước đó, vào ngày 17/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm.

Sau khi nghe Lãnh đạo Tổng cục, các Cục, Vụ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trong thời gian qua, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã đánh giá cao kết quả của các Cục, Vụ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường bởi đây là lực lượng rất quan trọng, trực tiếp bám sát tại cơ sở, trực tiếp làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Hiện Luật An toàn thực phẩm đang được Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, do vậy Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục, Vụ cần xem xét kỹ, rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong Luật An toàn thực phẩm; từ đó có đề xuất về nội dung cần sửa đổi.

"Bộ Công Thương sẽ quản lý về sản xuất, lưu thông hàng hóa... theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ", Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-nghien-cuu-dau-moi-quan-ly-ve-cong-nghiep-thuc-pham-358965.html