Bộ Công Thương đề xuất sửa nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Chính phủ trình bản dự thảo thứ 2 đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu.
Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý Nhà nước công bố rồi thực hiện theo.
Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài dẫn tới chưa sát thực tế.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2230, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá xăng dầu.
Cụ thể là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường và chính sách an sinh xã hội phù hợp…
Dự thảo mới quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định.
Dự thảo mới đưa quy định định kỳ 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân (dự thảo 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường.
Tuy nhiên, giá bán ra của doanh nghiệp không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên bộ. Điều này đồng nghĩa giá xăng dầu tiếp tục có thể giữ nguyên chu kỳ điều hành tính giá 7 ngày như hiện nay thay vì tính bình quân 15 ngày như dự thảo 1 đề xuất cách đây vài ngày.
Dự thảo mới đưa ra 2 phương án tính giá. Trong đó, phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được tính theo giá trị tuyệt đối. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.
Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo tỷ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.
Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thướng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.
Dự thảo nghị định mới quy định, với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định.
Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp tính toán và được phép bán giá thấp hơn giá bán tối đa quy định.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), dự thảo mới của Bộ Công Thương cũng đưa ra thêm một số điều của Luật Giá để bảo vệ quan điểm duy trì quỹ. Theo đó, khi giá thế giới tăng liên tục trong 15 ngày, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét việc trích lập, chi sử dụng theo quy định của Luật Giá.
Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng yêu cầu phải báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng kho, đồng thời giao các Sở Công Thương kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh việc số hóa, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến tổng nguồn, tiêu thụ, tồn kho…
Dự thảo mới nêu rõ: doanh nghiệp làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần thiết phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, áp dụng kinh nghiệm đã làm thương nhân phân phối xăng dầu để nâng lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, phải là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 3 năm liền kề, không bị cơ quan quản lý xử lý vi phạm, trong đó có việc tước giấy phép thì sẽ được cấp phép làm đầu mối.
Quy định mới nêu rõ: Đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. Việc để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ không hiệu quả do không cạnh tranh được chi phí kinh doanh trong tạo nguồn đầu vào vẫn phân phối trong nước, khó có khả năng bảo đảm nguồn cung xăng dầu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dự thảo nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau…