Hội nghị thượng đỉnh G20: Dấu mốc lịch sử với châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc mang thông điệp hợp tác vì 'một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự'
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra ngày 18-19/11 tại Brazil.
Theo kênh truyền hình TRT World, Hội nghị thượng đỉnh năm nay là sự kiện đầu tiên của G20 có sự tham gia của Liên minh châu Phi (AU) với tư cách thành viên chính thức.
Đây được coi là dấu mốc lịch sử nhằm tăng cường tiếng nói của các nước Nam bán cầu cũng như sự công nhận của G20 về tầm quan trọng của châu Phi trong quản trị toàn cầu.
AU đang tìm cách định hình các cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng, bao gồm tình trạng nợ nần, tài chính khí hậu, bất bình đẳng và thuế quốc tế. Liên minh dự kiến ủng hộ các hệ thống thuế toàn cầu công bằng và toàn diện hơn, quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và các giải pháp tài chính khí hậu phải chăng.
Hội nghị có chủ đề: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", với các ưu tiên chính mà nước chủ nhà đặt ra gồm chống đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy phát triển bền vững và thúc đẩy cải cách trong quản trị toàn cầu.
An ninh hiện đang được tăng cường ở mức cao tại thành phố Rio de Janeiro, khi hội nghị G20 có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng các lãnh đạo từ Australia, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản…
Ngày 17/11, khi đến Rio de Janeiro để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự, cũng như một nền kinh tế toàn cầu hóa bao trùm và mang lại lợi ích trên toàn thế giới.
Bày tỏ hy vọng G20 đóng vai trò lớn hơn như một nền tảng quan trọng cho hợp tác kinh tế quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc cam kết, Bắc Kinh sẽ tích cực hỗ trợ sáng kiến “Liên minh toàn cầu chống đói nghèo”, do Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đề xuất.
Về phía chủ nhà Brazil, chính phủ nước này đã bày tỏ quan ngại về việc một số thành viên trong G20 đang phản đối những vấn đề đã được thống nhất ở hội nghị cấp bộ trưởng về biến đổi khí hậu và thuế đối với giới siêu giàu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva, bất chấp sự phản đối, chính phủ quốc gia Nam Mỹ sẵn sàng “làm việc đến phút cuối cùng” để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước G20.
Trong các cuộc họp cấp bộ trưởng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, các nền kinh tế thành viên đã đạt được sự đồng thuận về việc mở rộng các dòng tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng khí hậu, bao gồm việc tăng cường vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương.
Các quốc gia đã cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đến năm 2030 và thúc đẩy chuyển đổi sinh thái thông qua các công cụ kinh tế bền vững như kinh tế sinh học và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm.