Bộ Công Thương được giao phụ trách lĩnh vực dịch vụ logistics
Bộ Công Thương sẽ được giao phụ trách lĩnh vực dịch vụ logistics theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương vừa được quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2022 và thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ
Một điểm mới quan trọng của Nghị định số 96 so với Nghị định số 98 là Chính phủ đã chính thức giao Bộ Công Thương phụ trách dịch vụ logistics.
Theo đó, về dịch vụ logistics, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Cùng đó Bộ Công Thương được Chính phủ giao điều phối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics.
Logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song hành với tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang các sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế là một nhiệm vụ lớn với ngành dịch vụ logistics. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-26 (tháng 11 năm 2021), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tham gia mạnh mẽ của các ngành, trong đó có logistics.
Để truyền tải thông điệp này, định hướng và khuyến khích doanh nghiệp logistics tuân thủ các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch, mới đây tại Hải Phòng, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề "Logistics xanh".
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hhệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi.
Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, logistics xanh mặc dù trên thế giới đã được quan tâm từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn còn là khái niệm khá mới, chưa được đại đa số doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2023, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy; khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; nguy cơ suy thoái kinh tế đã hiện hữu tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới, ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong thời gian qua cùng với hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới được ký kết, đi vào thực thi sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền, nhất là trong công tác sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Quang Lộc