Bộ Công Thương giải đáp loạt vấn đề 'nóng' về xăng dầu và điện mặt trời
Nguồn cung xăng dầu và việc điều chỉnh giá, cùng hàng loạt sai phạm ở các dự án điện mặt trời cũng như giải pháp cho tiêu thụ nông sản là các vấn đề chính được nêu ra trong họp báo quý thường kỳ Bộ Công Thương, chiều 30/3.
Nhập khẩu xăng dầu không dễ
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, hiện nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cơ bản đã khởi động trở lại sau quá trình khắc phục. Tuy nhiên đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được kế hoạch giao hàng tháng 5-6 và quý II của nhà máy này.
Theo ông Tuấn, Nhà máy Nghi Sơn chiếm 35% tổng cung cho thị trường. Do đó khi nhà máy gặp trục trặc đã dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong thời gian qua, cũng như ảnh hưởng đến thời gian tới. Để khắc phục, Bộ đã yêu cầu các thương nhân đầu mối, ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu.
Tuy nhiên đây không phải là câu chuyện “ngày một, ngày hai” có thể làm được, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đẩy giá dầu tăng cao như hiện nay.
ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước trả lời phóng viên về các vấn đề xăng dầu đang "nóng".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, tháng 2 vừa qua, nhà máy Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% hợp đồng đã ký kết hoặc cam kết với các doanh nghiệp đầu mối, tương đương thiếu 17 - 20% thị phần của cả nước. Tuy vậy, trong tháng 2 và 3, nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, sản xuất vẫn đảm bảo. Đây là nỗ lực rất lớn của các đầu mối cung cấp xăng dầu.
"Trong quý II, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân. Về kế hoạch trong quý III, sắp tới Bộ sẽ làm việc với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để bàn bạc xem nhà máy cung cấp được xăng dầu từng tháng bao nhiêu. Nếu thiếu, Bộ lại yêu cầu doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Còn về điều chỉnh giá xăng dầu vào kỳ 1/4 sắp tới, ông Hải cho biết vẫn phải căn cứ theo tình hình giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, việc thuế bảo vệ môi trường của xăng giảm 2.000 đồng/lít, dầu giảm 1.000 đồng/lít... sẽ có tác động đáng kể. Liên Bộ sẽ cố gắng điều chỉnh hài hòa để mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Sai phạm tại các dự án điện mặt trời, trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu?
Vấn đề nổi bật thứ hai được Bộ Công Thương đề cập là sai phạm tại các dự án điện mặt trời vừa được công bố. Cụ thể, sau khi thành lập đoàn kiểm tra tại những dự án điện mặt trời mái nhà ở 10 địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP HCM), Bộ Công Thương kết luận, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm.
Trong đó có việc ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện; thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải...
Các dự án điện mặt trời được đẩy mạnh phát triển trong thời gian qua.
Trả lời về trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, những dự án có công suất dưới 1 MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35 kV thì việc thỏa thuận, đấu nối sẽ do EVN thỏa thuận, thực hiện.
Theo quy định, những dự án dưới 1 MW không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực. Chính vì vậy, Bộ Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, do thời gian thực hiện phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà rất ngắn nên Bộ Công Thương chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách để đảm bảo cho đúng quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua vẫn còn tồn tại bất cập, các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra và có kết luận. Bộ cũng đã thực hiện nghiêm túc theo các kết luận.
Huy động hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài
Vấn đề thứ ba được nêu ra trong cuộc họp báo là giải pháp tiêu thụ nông sản đang có nhiều bất cập gần đây. Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.
Điển hình như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản; đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại…
Bên cạnh đó là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho quy trình nuôi trồng và chăm bón; xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam. Việc hình thành bản đồ nông sản sẽ giúp cung cấp thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của từng địa phương.
Bộ Công Thương vừa ra mắt Cổng Thông tin Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam giúp hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm xuất khẩu.Ảnh: Bộ Công Thương.
Chia sẻ thêm về Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời huy động hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh mở rộng các thị trường sang Mỹ La tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á...
Ông Hải thông tin thêm, hiện số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 1.000 xe. Việc này do chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm đi nhiều, khiến doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ hơn về việc thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa.
Trong quý I/2022, tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Đặc biệt, gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38-50%. Từ số liệu này, ông Hải cho rằng thực tế và triển vọng xuất khẩu chính ngạch của chúng ta đang khá tốt.