Bộ Công thương giải thích nội dung gây tranh cãi trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu
Theo Vụ thị trường trong nước, quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường, vừa giúp loại bỏ số liệu 'ảo' về lượng xăng dầu tiêu thụ, giảm bớt khâu trung gian.
Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã thông tin thêm về các nội dung đang được các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý, kiến nghị.
Theo bà Hiền, dự thảo Nghị định đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới, như cơ chế điều hành giá xăng dầu theo hướng để doanh nghiệp tự tính toán giá, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá. Việc bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023.
Dự thảo bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với các quy định về thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu trong một năm.
Đối với quy định đang gây nhiều tranh cãi, được các thương nhân nêu ý kiến nhiều nhất là không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau, bà Hiền lý giải: "Theo quy định hiện hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường các thương nhân cần phải đáp ứng, duy trì các điều kiện và thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà thương nhân tham gia".
Cụ thể, đối với thương nhân phân phối, phải đáp ứng và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh như: có 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm,..
Về quyền, thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác; Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức giao lý cho hệ thống trực thuộc theo Luật Thương mại; kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; bán lẻ tại các cửa hàng trực thuộc, bán cho các đơn vị trực tiếp sử dụng phục vụ sản xuất…
Về nghĩa vụ, thương nhân phân phối phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá bán trên hệ thống của mình; giám sát và chịu trách nhiệm về hệ thống đăng ký hệ thống, đăng ký thời gian bán hàng, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy….
Sở dĩ, dự thảo Nghị định không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau là có lý do.
Theo bà Hiền, qua công tác thanh tra kiểm tra với các thương nhân phân phối thời gian qua cũng bộc lộ một số điểm cần chấn chỉnh.
Trước hết, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối, làm tăng thêm chi phí và là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
Thứ hai, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Cuối cùng, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Phản hồi trước một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử, bà Hiền nói: "Quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường".
Bởi, các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).
Được biết, trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và đại diện nhiều Bộ ngành, các thương nhân phân phối và ban lẻ yêu cầu sửa dự thảo Nghị định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như Nghị định 95/2021.
Các thương nhân này lưu ý: "Theo Nghị định 95/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014, Chính phủ đã quy định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ các thương nhân phân phối khác. Nay theo xu hướng mở cửa thị trường, đáng lẽ dự thảo Nghị định phải ít nhất tiếp tục duy trì như vậy thì tại sao lại bỗng nhiên hủy bỏ, để đưa ra quy định hạn chế hơn?".