Bộ Công Thương góp sức trong kỳ tích đường dây 500kV mạch 3
Thành công của dự án đường dây 500kV mạch 3 có sự quyết tâm nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người lao động, trong đó có Bộ Công Thương.
Quyết liệt từ ngày đầu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với UBQL vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 9 địa phương có đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan để bàn, thống nhất các giải pháp triển khai dự án đặc biệt quan trọng này.
Theo Quy hoạch điện VIII, các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài 519 km, gồm hai mạch kép đường dây 500 kV và 1177 vị trí móng cột đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 23 nghìn tỷ đồng tương đương 1 tỷ đô la Mỹ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Đồng thời cho biết, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng yêu cầu EVN và EVNNPT khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7/2023, bảo đảm chất lượng theo đúng quy định để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án trong tháng 8/2023 và phê duyệt Dự án đầu tư trong tháng 9/2023; sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, cần khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương để triển khai các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Đối với UBND các tỉnh có dự án đi qua, Bộ trưởng đề nghị giữ đúng hướng tuyến của dự án đã được cập nhật, thống nhất với EVNNPT và EVN; khẩn trương cập nhật vào Quy hoạch tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan của địa phương theo quy định; khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng ngay sau khi dự án được duyệt; đồng thời, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện tái định cư (nếu có) nhằm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất để triển khai thi công.
Đối với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ trưởng yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị Chủ đầu tư để tiến hành song song các công việc liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án. Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực phối hợp với EVNNPT và EVN để xây dựng biểu đồ tiến độ cụ thể các bước công việc cần triển khai nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong tháng 6/2024; đồng thời, tham mưu phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Bộ trưởng đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, đôn đốc EVN/EVNNPT triển khai thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ được giao; đồng thời, thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chủ đầu tư trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư và thực hiện dự án để các công việc được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Bộ trưởng cũng đề nghị EVN/EVNNPT và các địa phương cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích to lớn của dự án, từ đó ủng hộ, đồng thuận trong quá trình triển khai, thực hiện dự án quan trọng này.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các địa phương đã tích cực triển khai dự án, trong đó Nam Định là tỉnh tiên phong, ngay trong tháng 7 địa phương này đã có văn bản gửi các sở ban ngành và các huyện liên qua yêu cầu các đơn vị phối hợp rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu diện tích sử dụng đất của các dự án; tổng hợp, tham mưu, báo cáo kết quả về UBND tỉnh chậm nhất trong ngày 31/7/2023; Đồng thời căn cứ chức năng nhiệm vụ, các đơn vị phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục hành chính, đảm bảo tiến độ dự án; 8 địa phương còn lại cùng vào cuộc triển khai.
Những đóng góp cụ thể
Bên cạnh công tác chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương với vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đối với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Bộ trưởng đã yêu cầu các cục vụ chức năng trực thuộc bộ hỗ trợ tối đa chủ đầu tư trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án; Phối hợp với các bên giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt đối với vấn đề nhập khẩu cột thép, nguyên liệu sản xuất, Bộ trưởng đã gửi công hàm cũng như yêu cầu các thương vụ liên quan vào cuộc đốc thúc.
Định kỳ 2 tuần 1 lần, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì họp trực tiếp và trực tuyến về dự án đường dây. Tại các cuộc họp, lãnh đạo Bộ lắng nghe báo cáo tiến độ của từng địa phương, đơn vị; đưa ra yêu cầu về mốc tiến độ cùng giải pháp tổng thể, cụ thể cho từng lĩnh vực vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, hành chính về giải phóng mặt bằng, đền bù, thi công… đồng thời có báo cáo Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng định kỳ.
Ngoài ra, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ, các cục vụ đã tham gia các buổi họp chuyên đề của Chính phủ; tham gia đoàn công tác của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến công trường; Bộ trưởng cũng trực tiếp đến các địa phương để kiểm tra tiến độ thi công, thăm động viên các lực lượng thi công.
Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ”... chỉ sau hơn 6 tháng, 4 dự án thành phần và các công trình phụ trợ đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt vào ngày 30/6, cung đoạn đường dây từ Nhiệt điện Nam Định – Thanh Hóa đã hoàn thành đóng điện, ngày 28/6 Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa cũng đóng điện. Trước đó là một số tuyến đường dây kết nối khác cũng đã hoàn thành, kịp thời giảm tải cho lưới điện 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Và sau gần 9 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công dự án đầu tiên, đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành đóng điện, tạo nên một kỳ tích mới trong xây dựng đường dây siêu cao áp tại Việt Nam. Điều đặc biệt hơn nữa là toàn bộ tuyến đường dây, trạm biến áp 500kV… đều do các kỹ sư Việt Nam đảm nhận.
Theo kế hoạch vào sáng ngày 29/8/2024, Lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối sẽ được tổ chức long trọng tại 9 địa phương theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tham gia ở một số điểm của dự án.