Bộ Công Thương hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP

Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 105/QĐ-BCT về Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: BNEWS

Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: BNEWS

Quyết định nhằm mục tiêu triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung phân công cho ngành công thương tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo đó, Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện. Toàn bộ công việc phải hoàn thành trong tháng 9 năm 2024.

Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi... Đối với điều kiện kinh doanh không phù hợp thực tiễn, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp...Việc này hoàn thành trong tháng 12 năm 2024.

Bộ Công Thương cũng lưu ý đơn vị đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin của Bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin liên quan. Ngoài ra, tích cực thực hiện tham vấn, tương tác với người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động của quy định, văn bản quy phạm pháp luật thông qua Cổng thông tin của Bộ và kết nối với Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; khai thác dữ liệu trên Cổng để phục vụ thẩm định, thẩm tra và rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Bộ Thông Thương cũng giao Cục Kỹ thuật và An toàn Môi trường Công nghiệp chủ trì phối hợp nghiên cứu, phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy và đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Mặt khác, phối hợp với các các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan theo hướng phù hợp với mức độ rủi ro của hoạt động sản xuất, kinh doanh; phù hợp với đặc điểm vị trí, địa lý hoặc đặc thù của dự án, công trình, phương tiện.

Cũng tại quyết định này, Vụ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm mặt hàng có mức độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro…

Tổng cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa thông quan, lưu thông trên thị trường. Giảm thiểu kiểm tra doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt và không có lịch sử vi phạm quy định pháp luật.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và hệ thống thông tin dữ liệu chuyên ngành của Bộ. Ngoài ra, tập trung phát triển Cổng Dịch vụ công của Bộ tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực hiện trên môi trường điện tử…

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia có ý kiến với Văn phòng Chính phủ (khi có yêu cầu) trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024.

Cùng đó, làm đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc tham gia Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ, sửa đổi quy định pháp luật về thủ tục hành chính gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đánh giá cải cách quy định kinh doanh của Bộ và phối hợp với Văn phòng Chính phủ để công bố trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Liên quan tới việc tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, quyết định này nhấn mạnh: Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tham gia có ý kiến đối các hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì (khi có yêu cầu) để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công thương.

Qua đó, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ; nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn về danh mục và mức trần các loại phí ngân hàng.

Nhằm hướng tới phát triển bền vững, Cục Kỹ thuật và An toàn Môi trường Công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia các hoạt động do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Mặt khác, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020.

Vụ Khoa học và Công nghệ đầu mối tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục để xác định cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc Luật Đầu tư và/hoặc Nghị định của Chính phủ hướng dẫn luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của doanh nghiệp và người tiêu dùng; trong đó có các quy định về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Quyết định cũng chỉ rõ: Các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính…Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: tư vấn pháp lý; chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực.

Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước, Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại triển khai sâu rộng hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.

Đáng lưu ý, ưu tiên gắn kết cơ quan trung ương và địa phương với cơ quan thương vụ ở nước ngoài về xúc tiến thương mại; hỗ trợ hàng hóa trong nước tiếp cận mạng lưới hệ thống bán lẻ ở nước ngoài và nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu. Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành hàng; thị trường; quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước và cam kết theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kết quốc tế khác. Thực hiện hỗ trợ miễn phí thông tin cho doanh nghiệp.

Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cầntuyên truyền và nâng cao hiệu quả hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ FTA.

Quyết định cũng nêu rõ, việc thực hiện Bộ Công Thương giao, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/1/2024.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-cong-thuong-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-02-nq-cp/322742.html