Bộ Công Thương hỗ trợ Bình Dương kết nối nhà bán hàng với sàn thương mại điện tử
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh Bình Dương, Bộ Công Thương vừa hỗ trợ kết nối nhà bán hàng với các sàn thương mại điện tử.
Tại Hội nghị Kết nối nhà bán hàng và sàn thương mại điện tử năm 2023 do Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tổ chức tại Bình Dương mới đây, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã hỗ trợ kết nối các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tại Hội nghị, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối… đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội bán hàng mà còn thúc đẩy việc hình thành các mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác trong khu vực. Đây cũng là dịp để các địa phương vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hỗ trợ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, giới thiệu và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ tiêu biểu, thế mạnh phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số đã và đang trở thành là xu thế tất yếu, và nằm trong ưu tiên phát triển của tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành, Sở Công Thương Bình Dương với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, đã và đang triển khai ứng dụng thương mại điện tử để tạo sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.
Tại Hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử cũng đã chia sẻ, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp kỹ năng phân phối sản phẩm, ứng dụng giải pháp quản lý về bán hàng đa kênh, các tiêu chí chọn lọc sản phẩm, xây dựng năng lực số, chiến lược kinh doanh đổi mới sáng tạo, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả…
Hướng dẫn quy trình để nhà bán hàng tham gia từ cài đặt, tạo tài khoản, đăng sản phẩm và quản lý kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee cho các đại biểu tham gia hội nghị, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee, bà Nguyễn Lê Ly Na cũng đã đề cập đến những lưu ý để thiết lập gian hàng hiệu quả như thiết kế ảnh bìa có chất lượng tốt, sử dụng nền đơn sắc, hạn chế sử dụng họa tiết hoa văn, sử dụng bố cục hiệu quả để làm nổi bật hình ảnh sản phẩm, không chèn thông tin vào những vị trí mặc định mà Shopee sẽ sử dụng để gán nhãn. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Lê Ly Na cũng hướng dẫn người dùng sử dụng bộ công cụ marketing giúp tăng doanh thu trên shopee, đa dạng hệ thống hỗ trợ người bán.
Để giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cũng như quản lý bán hàng đa kênh, ông Hà Kim Sơn, đại diện từ phía công ty Sapo - nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh đã giới thiệu và hướng dẫn các nhà bán hàng đăng ký sử dụng phần mềm bán hàng Sapo Omnichannel. Theo ông Sơn, giải pháp này sẽ giúp các nhà bán hàng có thể quản lý một cách chính xác tất cả các hoạt động kinh doanh tại một nơi duy nhất như quản trị kho, quản trị nhân viên, quản trị tài chính, quản trị đơn hàng…
Liên quan đến khâu nhập hàng, đóng gói, giao hàng… ông Dương Công Tấn Phát, Giám đốc phát triển sản phẩm của sàn thương mại điện tử Droppii chia sẻ, công ty đã triển khai và cho ra mắt mô hình Dropshipping trong bán hàng. Với mô hình này, việc kinh doanh online trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, vì người bán không cần lo lắng đến khâu nhập hàng, không cần tự đóng gói hay giao hàng, hay lo lắng về tồn kho, mà chỉ tập trung vào việc tư vấn bán hàng. Đây là mô mình phù hợp với nhiều đối tượng người bán và không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Droppii cũng cung cấp nền tảng training online với sự tham gia của các chuyên gia, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và ứng dụng các kiến thức, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tại Hội nghị các doanh nghiệp, nhà bán hàng đã được nâng cao kiến thức, ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, tạo kênh giao thương bằng hình thức trực tuyến, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất đến người mua hàng. Với những chia sẻ, hướng dẫn từ các đại diện đến từ sàn thương mại điện tử Shopee, mô hình Droppii, nền tảng quản lý bán hàng Sapo và đơn vị Vina CHG, các doanh nghiệp, nhà bán hàng của tỉnh Bình dương đã có thêm những giải pháp để gia tăng phương thức bán hàng, quản lý kênh bán hàng và bảo vệ thương hiệu trên môi trường kinh doanh online.
Lãnh đạo Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối các đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử với các địa phương trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Với sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ và sự tích cực của các doanh nghiệp, các chương trình kết nối sẽ tạo đà thúc đẩy trong việc ứng dụng thương mại điện tử sâu rộng hơn vào hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề” - đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số cho hay.