Bộ Công Thương họp Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng
Chiều 24/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững tổ chức họp về phát triển Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, phiên họp lần thứ hai năm 2025 của Nhóm Công tác kỹ thuật số 4 về Hiệu quả năng lượng đã được tổ chức tại Hà Nội, do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng chủ trì, trong khuôn khổ nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Mục tiêu của phiên họp là đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho nền kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững tổ chức họp tham vấn các đối tác phát triển về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Lê An
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải.
Các nội dung sửa đổi được gửi tới các đại biểu dự họp là các nội dung đang được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi để chỉnh sửa trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong tháng 2/2025 và Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
Tại phiên họp, đại diện UNDP chia sẻ kết quả nghiên cứu của tổ chuyên trách về hiệu quả năng lượng và đưa ra các góp ý cụ thể đối với các điều khoản sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại diện Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cũng trao đổi về kinh nghiệm thực tế của Đan Mạch, từ đó đưa ra một số đề xuất và tham vấn cho các nội dung sửa đổi được đưa ra.
Phần thảo luận của phiên họp nhận được đóng góp tích cực từ đại diện EU, UNDP, GIZ, các đại sứ quán và các đối tác phát triển quốc tế khác về các lĩnh vực chính sách mà nội dung sửa đổi đề cập và xin ý kiến rộng rãi.
Các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao việc cơ quan chủ trì chia sẻ thông tin và tiếp thu đóng góp của các đối tác phát triển quốc tế trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều này một lần nữa khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bên đồng chủ trì trong công tác tổ chức, điều phối hoạt động của Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng của VEPG.
Kết thúc phiên họp, các đồng chủ trì đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu và nhấn mạnh vai trò quan trọng của những chia sẻ này trong việc hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về cuộc họp...