Bộ Công thương kiên quyết tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm kinh doanh xăng dầu
Bộ Công thương triển khai 3 đoàn công tác để giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước; đồng thời vừa quyết định mạnh tay tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối vi phạm quy định nhà nước.
Thêm 5 doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép
Ngày 6/9/2022, Bộ Công thương đã thông tin về việc xử phạt đối với một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Đáng chú ý trong đó, có 5 quyết định tước giấy phép của 5 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, ngày 15/2/2022, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 192/QĐ-BCT thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quyết định nêu trên, đoàn thanh tra đã tiến hành làm việc với các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định; nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hàng năm; hay không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công thương.
Ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, cơ quan thanh tra còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối gồm:
Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro).
Trước kỳ nghỉ lễ 2/9/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc ngành công thương tổ chức 3 đoàn công tác (mỗi đoàn công tác do 1 thứ trưởng dẫn đầu) thực hiện việc giảm sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Các đoàn sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ… Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định.
Trước đó, Bộ Công thương đã xử phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu 7 công ty xăng dầu thời hạn từ 1 đến 3 tháng và 11 công ty bị xử phạt hành chính.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu để phục vụ sản xuất, kinh doanh
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vi phạm như trong thời gian qua, Bộ Công thương cho biết, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngành Công thương sẽ tập trung vào một số giải pháp quan trọng.
Đó là, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn) trong 6 tháng cuối năm như sau: quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 4 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.