Bộ Công Thương làm việc với JETRO Hà Nội: Sẽ tiếp tục cải thiện tỷ lệ nội địa hóa
Ngày 8/2,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã làm việc với JETRO Hà Nội về thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022.
Tại buổi làm việc, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội- ông Takeo Nakajima báo cáo một số kết quả cơ bản Khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 (Bản Việt Nam “Lợi nhuận kinh doanh” và “Kế hoạch kinh doanh từ nay về sau”).
Theo đó, triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022 tỷ lệ có lãi là 59,5% (tăng 5,2 điểm so với năm trước). Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được cho là yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp Nhật Bản đạt được kết quả này.
Xét theo ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo có tỷ lệ kinh doanh có lãi cao nhất, tới 61,1%, tăng 3,5% so với năm 2021; ngành phi chế tạo đạt tỷ lệ 57,6%, tăng 6,1% so với năm trước.
Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ là 20,8% (giảm 7,8 điểm phần trăm). Nguyên do chính được đưa ra là khó khăn trong việc thu mua linh kiện/nguyên vật liệu, chi phí hậu cần (logistic), giá nhân công tăng, ảnh hưởng của biến động tỷ giá… dẫn đến kinh doanh thua lỗ. “Nhìn chung mức dự báo lỗ năm 2022 của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã giảm so với năm 2021”, ông Takeo Nakajima nhận xét.
Ông Takeo Nakajima cũng cho biết: Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới là 60,0%, cao nhất ASEAN. Sức tăng trưởng của thị trường cao và quy mô thị trường hiện tại là những lợi thế hàng đầu trong môi trường kinh doanh của Việt Nam đã hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng nêu ra một số điểm yếu và rủi ro trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đáng chú ý, thủ tục hành chính như cấp phép; hệ thống và thủ tục thuế chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật như các quy định, ưu đãi đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nghỉ việc, chi phí nhân công cao cũng là thách thức đối với vấn đề tuyển dụng và đảm bảo nguồn nhân lực…
Trao đổi với phía JETRO Hà Nội, tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nêu có 2 vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, liên quan đến hạn chế về thủ tục hành chính, JETRO Hà Nội có thể làm rõ hơn các vấn đề, loại nhóm thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến cấp phép hiệu quả, để Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam sửa đổi phù hợp.
Thứ hai, về xu hướng tăng triển khai kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, thực phẩm nằm trong nhóm sản phẩm có tỷ lệ cao. Hy vọng JETRO Hà Nội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ triển khai các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở lĩnh vực này trong thời gian tới.
“Cụ thể, JETRO Hà Nội tổ chức gian hàng quốc gia Nhật Bản và tổ chức đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tham dự triển lãm foodexpo tổ chức tháng 11/2023. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, JETRO Hà Nội hỗ trợ triển khai các hoạt động này”, ông Lê Hoàng Tài đề xuất.
Về phía hiệu quả thực thi các hiệp định thương mại tự do 2 nước là thành viên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mong muốn: JETRO Hà Nội có đánh giá cụ thể hơn để hai bên tìm ra phương thức hữu hiệu tăng hiệu quả thực thi các hiệp định.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: Kết quả đạt được của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm vừa qua rất đáng vui mừng. Cho thấy, môi trường và triển vọng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã phần nào đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Tuy vậy, với những điểm còn hạn chế như thủ tục hành chính, thuế, các cơ quan chức năng Việt Nam còn cần cố gắng nhiều hơn để cải thiện. Tương tự đó, tỷ lệ nghỉ việc và chi phí nhân công cao cũng đang là thách thức lớn không chỉ của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam mà kể cả đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Một số nội dung và kết quả khảo sát còn hạn chế có liên quan đế ngành Công Thương như tỷ lệ nội địa hóa chậm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cố gắng phối hợp với Nhật Bản để cải thiện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Với mong muốn của JETRO Hà Nội có nhiều cơ hội đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản với cơ quan Chính phủ hơn nữa, Thứ trưởng đồng tình và khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với JETRO Hà Nội, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.