Bộ Công Thương lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực
Bộ Công Thương mới đây đã có Công văn số 10287/BCT-ĐTĐL ngày 16/12/2024 về việc lấy ý kiến về Tờ trình, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về giấy phép hoạt động điện lực.
Ngày 30/11/2024, Luật Điện lực số 61/2024/QH15 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025. Theo đó, Luật Điện lực năm 2024 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về giấy phép hoạt động điện lực. Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều về giấy phép hoạt động điện lực.
Thực hiện quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và để kịp tiến độ xây dựng, ban hành có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Điện lực, Bộ Công Thương mới đây đã có Công văn số 10287/BCT-ĐTĐL ngày 16/12/2024 về việc lấy ý kiến về Tờ trình, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về giấy phép hoạt động điện lực.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động điện lực là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Điện lực và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động điện lực, các điều kiện cấp giấy phép thường xuyên phải được rà soát, đánh giá để đơn giản hóa trong thực hiện. Trong khi đó, một số nội dung về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 32 Luật Điện năm 2004 và các văn bản dưới luật không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là việc không phân biệt rõ các trường hợp cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép hoạt động điện lực dẫn đến không đảm bảo sự linh hoạt trong việc đánh giá điều kiện hoạt động điện lực để kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Luật Điện lực năm 2024 được ban hành dẫn đến những quy định pháp luật về điện lực đã thay đổi. Luật Điện lực năm 2024 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý hoạt động điện lực, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tiếp cận phương pháp quản lý hoạt động điện lực xuyên suốt, khoa học, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, Luật Điện lực năm 2024 đã lược bỏ quy định cấp giấy phép lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực; quy định rõ hơn các điều kiện của từng hình thức cấp giấy phép hoạt động điện lực nhằm minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ giao Chính phủ quy định chi tiết của Luật Điện lực năm 2024 và các nội dung liên quan, Bộ Công Thương cho biết cần thiết xây dựng Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực. Trong Nghị định quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực và trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, miễn trừ, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực và các nội dung liên quan để kịp thời áp dụng cùng thời điểm hiệu lực của Luật Điện lực năm 2024.
Việc ban hành Nghị định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời của hệ thống pháp luật. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, qua đó bảo đảm việc đầu tư xây dựng các công trình điện lực (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan trước khi đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh năng lượng. Bảo đảm tuân thủ theo trình tự, thủ tục hành chính trong việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương, 29 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về: điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực; mức công suất được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực; thu hồi giấy phép hoạt động điện lực và hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Cụ thể:
- Chương I: Quy định chung; gồm 2 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
- Chương II: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực; gồm 5 điều, quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực cho từng lĩnh vực: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
- Chương III: Hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực; gồm 10 điều, quy định chi tiết về thành phần hồ sơ đối với từng lĩnh vực (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện), trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực (cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn).
- Chương IV: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; gồm 9 điều, quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, mức công suất miễn trừ, thời hạn của giấy phép.
- Chương V: Điều khoản thi hành; gồm 3 điều, quy định các nội dung về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm thi hành.
Trên cơ sở ý kiến góp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành để kịp thời áp dụng cùng thời điểm hiệu lực của Luật Điện lực năm 2024.