Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển: Mệnh lệnh của cuộc sống

Bộ Công Thương là một trong các cơ quan cấp bộ, ngành đầu tiên tổ chức Diễn đàn chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.

Diễn đàn được tổ chức ngày 23/12/2024 nhằm kịp thời quán triệt và lan tỏa mạnh những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, khơi thông những nguồn lực mới phục vụ cho tăng trưởng và phát triển, đồng thời làm hiệu quả thêm, sâu sắc thêm các nguồn lực vốn có.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và Nhà nước ta đã luôn coi vấn đề chống lãng phí như một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng cầm quyền cũng như quản lý nhà nước trong mọi bối cảnh lịch sử của đất nước, kháng chiến kiến quốc cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quan niệm của Người, tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước không có chỗ cho những việc làm, hành động, tư tưởng gây ra lãng phí, tiếp tay hoặc dung dưỡng cho lãng phí. Thậm chí lãng phí còn có thể coi như một thứ giặc nội xâm phải ra sức và kiên quyết chống cho kỳ được. Từ lời dạy của Người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, chúng ta có thể thấy đã bao hàm việc muốn giữ lấy nước cũng cần phải thắng cho được “giặc” lãng phí.

Lãng phí được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) định nghĩa là “làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích”. Từ định nghĩa này có thể suy rộng ra, lãng phí không chỉ có thể xảy đến với của cải, tiền bạc, nhân lực, tài sản, thời gian như suy nghĩ lâu nay mà còn xảy đến cả với cơ hội, nguồn lực, chính sách.

Với ý nghĩa đó, lãng phí có thể gây thiệt hại không kém gì tham nhũng, thậm chí là có thể gây ra thiệt hại lớn hơn. Bởi lãng phí tiền bạc, của cải có thể khiến một cộng đồng nhỏ, số lượng người nhỏ chịu thiệt hại nhưng nếu lãng phí xảy đến với cơ hội phát triển, nguồn lực phát triển, chính sách phát triển thì quy mô thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần. Không những thế, việc khắc phục những hệ quả do lãng phí cũng là một quá trình phức tạp, tốn kém không chỉ cả về thời gian, nhân lực mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, làm chậm tiến trình phát triển, kéo theo việc “lãng phí chồng lãng phí”.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” được tổ chức là việc làm hết sức kịp thời và cần thiết nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; các chủ trương, giải pháp quyết liệt của ngành Công Thương về chống lãng phí.

Đặc biệt, Diễn đàn là dịp để toàn ngành Công Thương quán triệt sâu sắc và lan tỏa mạnh mẽ những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Tổng Bí thư về chống lãng phí; làm rõ thực trạng, đề xuất các giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành Công Thương trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong tình hình mới hiện nay về công tác chống lãng phí trong xây dựng thể chế, pháp luật. Theo đó, Tổng Bí thư nêu rõ: “…Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm… xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”.

Chống lãng phí góp phần đẩy nhanh các nguồn lực phục vụ tốt hơn cho phát triển. Ảnh minh họa.

Chống lãng phí góp phần đẩy nhanh các nguồn lực phục vụ tốt hơn cho phát triển. Ảnh minh họa.

Thực hiện các quan điểm chỉ đạo nêu trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về về chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, pháp luật- điểm nghẽn của điểm nghẽn- trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/9/2024, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 156 văn bản gồm 5 Luật (Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, đề nghị xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả), 20 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 128 Thông tư. Đặc biệt trong năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành Công Thương đã được triển khai mức độ quyết liệt chưa có tiền lệ, với hàng loạt cơ chế, chính sách lớn, đột phá, mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Câu chuyện về kỳ tích hoàn thành xây dựng đường dây 500KV mạch 3, một công trình theo tư duy thông thường là cần phải tính bằng năm, còn nếu chỉ trong thời gian tính bằng tháng thì gần như là chuyện không thể. Vậy mà điều không thể đó đã trở thành có thể. Chúng ta đã không để nguồn lực bị lãng phí mà trái lại đã tiết kiệm được thời gian để nguồn lực vật chất là dòng điện kích hoạt thêm những cơ hội mới, niềm tin mới cho phát triển.

Cũng vẫn câu chuyện “biến cái không thể thành có thể” là việc thông qua Luật Điện lực sửa đổi năm 2024. Khi bắt tay vào khởi động công việc sửa đổi dự án luật hết sức quan trọng này, cũng nhiều ý kiến đề cập đến việc nếu nhanh cũng cần thời gian hàng năm. Nhưng khi các nhà lãnh đạo chủ chốt của đất nước trực tiếp nêu gương hành động bằng những chỉ đạo, động thái cần thiết, cơ quan Bộ trực tiếp là Bộ Công Thương vào cuộc quyết liệt từ lãnh đạo đến các vụ chuyên môn, dự án Luật Điện lực sửa đổi đã được các địa biểu Quốc hội ấn nút thông qua. Thời gian như chúng ta đã thấy không còn là năm mà đã là tháng. Một dự án luật tạo những tiền đề mới để đưa những nguồn lực được nảy nở, được đơm hoa kết trái tăng trưởng và đóng góp cho phát triển, đó chính là việc chống lãng phí một cách quyết liệt mà cũng hết sức thực chất.

Rõ ràng là giờ đây tư duy chống lãng phí đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt theo hướng không phải chờ đến lúc xảy ra lãng phí mới chống lãng phí mà phải chống lãng phí từ lúc manh nha, từ sớm, từ xa và đặc biệt là chủ động để lãng phí không có, không còn dư địa tồn tại hay ngóc đầu dậy.

Có thể nêu ra ở đây những tinh thần chỉ đạo về chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế của Bộ Công Thương thời gian qua là một mặt cấp ủy, tập thể lãnh đạo mà chủ chốt là người đứng đầu các đơn vị trong Bộ chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng trong việc quán triệt quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác xây dựng pháp luật đã đề ra. Một mặt xem xét thảo luận kỹ về các đề nghị xây dựng, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và có kết luận cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao. Lãnh đạo Bộ đã tăng cường làm việc trực tiếp với các đơn vị để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách từ thực tiễn cần có phản ứng chính sách phù hợp.

Việc chống lãng phí giờ đây được đặt trong tổng thể phát triển mới của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bằng tinh thần “đã nói là làm”, “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Không chỉ là làm mà cần phải hành động thực sự quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Trung ương chuyển, cơ sở động, quyết liệt ngay trên công trường trường dự án, cả trên từng cung độ. Ai ai cũng có thể chống lãng phí bằng những việc làm cụ thể thiết thực ngay từ cương vị, chỗ đứng của mình.

Một quốc gia có những công dân không chấp nhận sống chung với lãng phí, không bàng quan với lãng phí chắc chắn là một quốc gia mạnh, đi đầu và có vị thế nổi trội trong dòng chảy phát triển của nhân loại. Nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới hoàn toàn xứng đáng với vị thế đó.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-lang-phi-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-menh-lenh-cua-cuoc-song-365369.html