Bộ Công Thương lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược

Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo 2 Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.

Ngày 01/4/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1391/VPCP-KHTH có ý kiến về việc đề xuất xây dựng và áp dụng quy trình, thủ tục rút gọn đối với Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo 2 Nghị định.

Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo 2 Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược

Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo 2 Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược

Dự thảo 2 Nghị định gồm 6 Chương và 18 Điều, quy định việc quản lý xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Nghị định không áp dụng đối với việc xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Nghị định này áp dụng đối với thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa lưỡng dụng

Nghị định quy định, hàng hóa lưỡng dụng là các mặt hàng, phần mềm và công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự hoặc liên quan đến phát triển, sản xuất, xử lý, vận hành, bảo trì, lưu trữ, phát hiện, nhận dạng hoặc phát tán vũ khí hủy diệt hàng loạt hay phương tiện vận chuyển của chúng.

Thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và phê duyệt khai báo hàng hóa lưỡng dụng được quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

Các Bộ theo phân công tại Phụ lục I Nghị định này và trao đổi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa lưỡng dụng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ kèm theo mã hàng và đặc điểm kỹ thuật, công nghệ của hàng hóa.

Hàng hóa lưỡng dụng ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này phải thực hiện quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác.

Dự thảo 2 Nghị định cũng nêu rõ, thương nhân chỉ được thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển sau khi thực hiện khai báo và được Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Trường hợp thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển đã được phê duyệt đáp ứng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ theo quy định tại Chương IV Nghị định này:

- Thương nhân thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển theo quy định hiện hành, không phải thực hiện khai báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

- Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục hải quan, thương nhân cung cấp bổ sung 01 Bản cam kết về việc hàng hóa không được sử dụng cho mục đích sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (bản chính).

Ngoài ra, thương nhân xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng có trách nhiệm tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng tại Nghị định này và quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ khai báo hàng hóa lưỡng dụng và các tài liệu xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định tại Nghị định này.

Đồng thời, chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ khai báo và các chứng từ liên quan để xuất trình cho cơ quan có thảm quyền khi được yêu cầu, thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu 05 năm.

Cam kết trách nhiệm của thương nhân về kiểm soát thương mại chiến lược

Nghị định cũng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ. Theo đó, Chương trình tuân thủ nội bộ là tập hợp bộ quy trình được thương nhân tham gia vào hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng xây dựng để tổ chức thực hiện bắt buộc trong nội bộ thương nhân nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới hoạt động kiểm soát thương mại chiến lược.

Chương trình tuân thủ nội bộ bao gồm các bộ quy trình:

a) Cam kết trách nhiệm của thương nhân, trách nhiệm của chủ thương nhân, trách nhiệm của các bộ phận và nhân viên về kiểm soát thương mại chiến lược theo quy định của pháp luật.

b) Bộ quy trình về rà soát người sử dụng cuối và mục đích sử dụng của hàng hóa trong giao dịch;

c) Bộ quy trình về cách thức thương nhân thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật về kiểm soát thương mại chiến lược;

d) Bộ quy trình về đào tạo nội bộ liên quan tới lĩnh vực này;

đ) Bộ quy trình về lưu trữ thông tin và tài liệu.

e) Bộ quy trình về nghĩa vụ thông báo.

Yêu cầu đối với các bộ quy trình trong Chương trình tuân thủ nội bộ quy định tại Phụ lục III Nghị định này.

Trên cơ sở đề nghị của thương nhân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ theo phân công tại Phụ lục I Nghị định này xem xét ban hành Quyết định phê duyệt thương nhân đáp ứng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ.

Quyết định phê duyệt thương nhân đáp ứng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ có thời hạn 05 năm.

Chi tiết Dự thảo nội dung xin ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, xem tại đây.

Trước đó, vào chiều ngày 01/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-lay-y-kien-doi-voi-du-thao-nghi-dinh-ve-kiem-soat-thuong-mai-chien-luoc-138939.htm