Bộ Công Thương: Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP
Ngày 27/5, Bộ Công Thương tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu tại buổi họp, bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự thủ tục thông thường, cụ thể: thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, gửi dự thảo đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi từ 12/3/2024, đồng thời gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nghiệp, hiệp hội,…
Theo đó, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của 14/21 Bộ; 2/4 cơ quan ngang Bộ; 37/63 UBND cấp tỉnh và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiến hành tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và chỉnh lý dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định.
Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung nội dung hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại mục 9 chương II Nghị định số 98/2020/NĐ-CP nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngà y 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (cùng có hiệu lực từ 01/7/2024).
Đối với nội dung này, Bộ Công Thương đã tiếp thu phần lớn các ý kiến góp ý và chỉnh lý lại nội dung như: chỉnh lý giảm mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan hình thức hợp đồng mẫu; lược bỏ các hành vi vi phạm có sự chồng chéo với các nghị định quy định xử phạt trong từng lĩnh vực; lược bỏ một số hành vi vi phạm chưa có định lượng rõ ràng; rà soát điều chỉnh đảm bảo mức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi; hạn chế việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn do mức độ tác động lớn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác còn vướng mắc, bất cập có thể khắc phục được ngay tại dự thảo như: bãi bỏ nội dung quy định hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa do trùng lặp với Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; bổ sung khái niệm buôn bán; bổ sung cụm từ “hàng hóa khác thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” vào điểm c khoản 2 Điều 15 để đảm bảo xử phạt gấp đôi với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với các nhóm hành vi vi phạm khác,…
Tại buổi họp, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nhận được 13 ý kiến góp ý từ đại diện các Bộ ngành, tổ chức có liên quan cũng như đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về các vấn đề: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; quy định mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hình thức hợp đồng mẫu;...
Kết luận tại buổi họp, bà Chu Thị Thu Hương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ ngành, tổ chức có liên quan và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ tiếp thu, rà soát và thống nhất các ý kiến tại buổi họp để hoàn thiện dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.