Bộ Công Thương lên tiếng về vụ 58 container hồ tiêu bị kẹt ở Nepal
Các doanh nghiệp, trong đó có hồ tiêu nên áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước để tránh rủi ro
Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp (DN) hồ tiêu kêu cứu vì Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, khiến 58 container hàng trị giá hơn 3 triệu USD bị mắc kẹt, Bộ Công Thương cho biết đang làm việc với phía Nepal để bảo đảm các lô hàng của các DN sẽ được tái xuất về nước sau khi có đầy đủ giấy tờ, đáp ứng các quy định của Nepal.
Bộ Công Thương cho biết theo biện pháp mà Chính phủ Nepal áp dụng, các DN phải có L/C (tín dụng thư bảo đảm thanh toán) mở trước 29-3 và nhà nhập khẩu có đơn xin tái xuất lô hàng khỏi Nepal.
"Tuy nhiên, trên thực tế, các hợp đồng của 13 DN phần lớn đều không mở L/C. Hơn nữa, trong hơn 2 tháng vừa qua, kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các DN Việt Nam làm thủ tục tái xuất. Điều này khiến cho các DN Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn.
Đến đầu tháng 7, một vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Tuy vậy, để có thể đưa tất cả container hàng về, các DN Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời chủ động thuyết phục đối tác của mình đồng ý ký đơn xin tái xuất" – Bộ Công Thương thông tin.
Từ vụ việc trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN tham gia hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á như thị trường Ấn Độ, Nepal cần có biện pháp phòng tránh rủi ro. Khi ký kết hợp đồng, DN cần thiết phải áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro, sẽ rất khó xử lý trong các tình huống phát sinh như vụ việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa qua.
Trao đổi với phóng viên sáng 15-7, đại diện một DN có lô hồ tiêu bị kẹt tại Nepal cho hay các đối tác không đặt cọc trước do Chính phủ Nepal không cho phép. "DN chọn hình thức thanh toán D/P, giao tiền thì giao chứng từ. Tức là nhà nhập khẩu sẽ đến ngân hàng thanh toán 100% giá trị lô hàng để lấy bộ chứng từ lô hàng rồi ra cảng nhận hàng. Đây là hình thức mà hầu hết DN xuất khẩu Việt Nam đang thực hiện. Trong 13 DN có lô hàng mắc kẹt, cũng có DN áp dụng hình thức mở L/C nhưng cũng chưa lấy được hàng" – đại diện DN này thông tin.
Về việc nhà nhập khẩu không ký đơn tái xuất, nguyên nhân là do một số đối tác vẫn muốn nhập hàng vì đã ký hợp đồng bán lô hàng. Tuy nhiên, do Chính phủ Nepal cấm nhập khẩu hồ tiêu nên họ không thể nào nhập khẩu mà hợp tác cùng DN Việt Nam tái xuất lô hàng.
"Trong vụ việc này, rủi ro là do Chính phủ Nepal thay đổi chính sách đột ngột, không có lộ trình phù hợp để DN thực hiện. Trong trường hợp này là phía Nepal đã không miễn trừ cho các lô hàng đã trên đường vận chuyển trước khi ra lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu. Các DN Việt Nam không có lỗi" – đại diện các DN có lô hàng bị kẹt tại Nepal bày tỏ.