Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa
Trong thông báo mới nhất phát đi vào chiều 7/10, Bộ Công Thương lý giải một số cửa hàng xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Văn bản của Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
“Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định", văn bản nêu.
Cũng theo thông báo của Bộ, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, ngày 6/10, liên bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 tới để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp. Việc này giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi. Mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, ngày 7/10, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6192/BCT-TTTN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết là đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.