Bộ Công Thương: Nhiều biện pháp nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước, giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp ngành sản xuất trong nước

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030 cho biết, về phòng vệ thương mại, trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương tăng cường, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Bộ triển khai các biện pháp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, tích cực vận động các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại...

Giai đoạn 2020 - 2025, Bộ khởi xướng điều tra 55 vụ việc phòng vệ thương mại, ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 32 vụ việc đối với các mặt hàng trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (sắt thép, hóa chất và nhựa…), vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng cơ bản như đường, bột ngọt…

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước, giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài; bảo vệ và tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp xây dựng, công nghiệp tiêu dùng như luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản; mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và tạo thêm hàng chục ngàn việc làm, đảm bảo an ninh kinh tế, an sinh xã hội.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần bảo vệ và duy trì cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Bộ cũng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc tham gia xử lý khoảng 286 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (154 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (59 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (31 vụ việc); tăng cường công tác cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách được cập nhật vào tháng cuối hàng quý) và xử lý với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với việc kiện toàn mô hình quản lý cạnh tranh thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, công tác quản lý tập trung kinh tế đã được thực hiện tốt, kiểm soát hiệu quả các thương vụ sáp nhập, mua lại có yếu tố trong và ngoài nước (thẩm định trên 800 hồ sơ tập trung kinh tế); thực hiện hiệu quả công tác giám sát cạnh tranh trên nhiều thị trường trọng điểm (hóa chất, bưu chính, hàng không, bán lẻ, ngân hàng…), từ đó sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm cạnh tranh nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh (đã xem xét, xác minh gần 100 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi: cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế và hạn chế cạnh tranh; trong đó, điều tra và ban hành quyết định xử lý, xử phạt nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện máy, bảo hiểm nhân thọ, bưu chính, thuốc và trang thiết bị y tế...).

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng đặc biệt đối với các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát trên 50 chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật trên thị trường, tập trung xử lý trên 1.500 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng/năm…

Bộ Công Thương thường xuyên và liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức sinh động, trong đó những hoạt động như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng - Race for Consumers”... thu hút hàng chục nghìn người tham gia trực tiếp

Bộ Công Thương thường xuyên và liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức sinh động, trong đó những hoạt động như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải chạy “Vì quyền lợi người tiêu dùng - Race for Consumers”... thu hút hàng chục nghìn người tham gia trực tiếp

Công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết thủ tục hành chính đúng thời gian, quy trình, trên tinh thần quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tăng cường giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về kinh doanh đa cấp biến tướng, thường xuyên đăng tin cảnh báo và kiểm tra việc chấp hành pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Chú trọng cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch

Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương xác định công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Giai đoạn 2021 - 2024, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 57/662 điều kiện kinh doanh (đạt 8,61%), năm 2025 Bộ dự kiến cắt giảm 160/560 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 28,57%), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như xăng dầu, hóa chất, xúc tiến thương mại…; đồng thời siết chặt kiểm soát ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn phát sinh các thủ tục không hợp lý, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm bãi bỏ những thủ tục hành chính không thực sự cần thiết; sửa đổi bổ sung những thủ tục chưa phù hợp trong thực tế triển khai và phân cấp về cho các địa phương.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã bãi bỏ 95 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 347 thủ tục hành chính và phân cấp hàng trăm thủ tục hành chính, giúp bộ Bộ duy trì vị trí cao trong nhóm các bộ, ngành dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính. Công tác xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương đạt kết quả tốt với 100% thủ tục hành chính cung cấp ở cấp độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như quản lý xuất nhập khẩu, năng lượng, và thương mại điện tử trên cổng thông tin điện tử của Bộ, qua đó, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì trực tuyến tập huấn về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì trực tuyến tập huấn về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Công Thương đã quyết liệt rà soát, triển khai. Ngày 11/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 139/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo đó, 39 nhiệm vụ được phân định thẩm quyền, liên quan 21 thủ tục hành chính phải thực hiện trong 9 lĩnh vực: hóa chất, kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp; điện lực; công nghiệp tiêu dùng; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kinh doanh rượu; kinh doanh khí và quản lý chợ.

Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 146/2025/ NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Theo đó, điều chỉnh việc phân quyền, phân cấp 22 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có sự thay đổi về thẩm quyền.

Tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208/401 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 52%) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn có thể phân quyền, phân cấp, trong đó: 26 nhiệm vụ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương và 182 nhiệm vụ từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân cấp cho địa phương. Ngoài ra, có 72 nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong--nhieu-bien-phap-nham-tao-lap-moi-truong-canh-tranh-binh-dang-cho-doanh-nghiep-142801.htm