Bộ Công thương nói gì về 'cửa hàng tiện lợi bán cho khách 500m'?
Bộ Công Thương cho hay những tiêu chí về cửa hàng tiện lợi được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 1371 ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.
Trong dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra các quy định về tiêu chí siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Trong đó, một số tiêu chí như cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân; đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m được nhiều ý kiến nhận xét không khả thi, thiếu thực tế.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nêu ý kiến: "Tiêu chí cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong phạm vi 500m còn quá cứng nhắc, không phù hợp thực tế. Chúng ta cần tránh những quy định xa rời với thực tế, khó kiểm tra, khó thực hiện, không thiết thực với đời sống tiêu dùng, đời sống kinh doanh của người buôn bán”.
Nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng cho rằng cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, đi sâu vào quản lý chất lượng, dịch vụ, nguồn gốc, giá cả của hàng hóa, vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng… thay vì tập trung vào hình thức như diện tích, phạm vi bán kính…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Đơn cử như dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe, bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh…
Phản hồi trước các góp ý này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay những tiêu chí về cửa hàng tiện lợi hay trung tâm outlet được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tài liệu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, và có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Đặc biệt, quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia.
“Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại” - Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Cạnh đó, về thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020.
Đối với quy định về Biển hiệu của các loại hình hạ tầng thương mại, Vụ này cũng cho biết là được dự thảo trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 01/2021.
Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, nội dung quy định tại thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh; không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác.
Theo Bộ Công Thương, tới nay cơ quan soạn thảo đã nhận được 69 ý kiến góp ý. Bộ Công Thương đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo.
Sau khi hoàn thiện Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.