Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Ngày 24/10/2023, sẽ diễn ra Hội nghị 'Triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai'.
Sự kiện do Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo kế hoạch, ngày 23/10, Sở Công Thương Gia Lai sẽ đưa Đoàn công tác khảo sát thực tế tại cửa khẩu Lệ Thanh; khảo sát địa điểm quy hoạch trung tâm logistics tại Gia Lai.
Sáng 24/10, sẽ diễn ra Hội nghị “Triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau bàn thảo về thực trạng phát triển logistics, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; thảo luận giải pháp và hướng dẫn các quy định, chính sách, định hướng phát triển đối với hạ tầng và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; định hướng và giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trước đó, ngày 17/5/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1130/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng và phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, đưa Gia Lai trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng.
Để triển khai thực hiện, kế hoạch tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.