Bộ Công Thương quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2020/TT-BCT thay thế Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa; Căn cứ Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Thông tư gồm 4 chương và 1 phụ lục kèm theo, bổ sung các danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển.
Cụ thể, thông tư này quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển, yêu cầu về đóng gói, phương tiện chứa đối với hàng hóa nguy hiểm; phương án ứng cứu khẩn cấp và tập huấn người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương quy định tại Điều 24 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và các tổ chức cá nhân có liên quan đến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.
Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển là danh mục được quy định tại Phụ lục I của thông tư này. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng và bảo hiệu nguy hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 7, Phụ lục I và Phụ lục III Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.
Thông tư cũng yêu cầu về đóng gói hàng hóa nguy hiểm; yêu cầu về kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định hương tiện chứa; hàng hóa nguy hiểm yêu cầu bắt buộc phải có người áp tải; trường hợp ứng cứu khẩn cấp…
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thông tư này. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên địa bàn quản lý thực hiện các quy định tại thông tư này. Kiểm tra việc thực hiện công tác tập huấn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người áp tải, người xếp, dỡ, thủ kho trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý…
Thông tư này có hiệu lực từ năm 2021 và thay thế Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong thông tư này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đã cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực có giá trị đến khi hết hạn. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời xem xét, giải quyết.