Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu 2024
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa ban hành Văn bản số 2257 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Nội dung văn bản nhấn mạnh, dịp Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng. Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đồng thời, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Đối với mặt hàng bánh trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Đặc biệt, trong dịp Tết Trung thu, các đơn vị cần tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Công văn cũng nhấn mạnh, trong quá trình kiểm tra, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch.
Bên cạnh đó, lưu ý kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Mặt khác, các đơn vị cần kết hợp tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa quy định về chất lượng hàng hóa. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm và công bố công khai tên tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Vào dịp trước Tết Trung thu, nhu cầu về các mặt hàng bánh, kẹo và mặt hàng đồ chơi cho trẻ em tăng cao. Đây là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng sức mua tăng cao để buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trong tình hình đó, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường và bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 64.185 vụ việc vi phạm trên cả nước, giảm 2,82% so với cùng kỳ. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066,792 tỷ đồng; khởi tố hình sự 650 vụ, 1.913 đối tượng.
Tuy nhiên, việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn nổi lên một số các phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn như: Lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, chủng loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế... Lợi dụng sự thông thoáng về chế độ, chính sách, hoạt động thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi, hàng hóa, hành lý hoặc lợi dụng tiếp viên hàng không… Lợi dùng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Mặt khác, công tác quản lý thị trường vẫn còn một số hạn chế như: Vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế; một số vụ việc không bắt giữ được đối tượng vi phạm.
Đồng thời, việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa được thống nhất, chưa thường xuyên, tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng hoạt động; một số đơn vị còn hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả…