Bộ Công Thương thông tin về trách nhiệm trong sai phạm của các dự án điện mặt trời
Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, nhiều câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với những sai phạm trong việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua.
Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua, nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực điện mặt trời, cả mặt đất lẫn mái nhà. Do phát triển trong thời gian ngắn nhưng đã có sự phát triển "nóng" nên nảy sinh một số vướng mắc, xuất hiện quá tải cục bộ ở một số địa phương.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành có kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong đó, nhiều bất cập được nêu rõ.
Trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ; thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định…
Riêng về trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, đối với Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Thông tư 18 của Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai điện mặt trời mái nhà, những dự án này có công suất dưới 1 MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV và các tấm pin phải lắp trên mái các công trình xây dựng.
Việc thỏa thuận đấu nối, ông Hùng cho biết EVN sẽ căn cứ vào các quy định để thỏa thuận, đấu nối với các chủ đầu tư, để được đấu nối vào lưới điện. Theo quy định thì những dự án dưới 1 MW thì Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Cũng theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, với Bộ Công Thương, theo Quyết định 13 thì có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm. Tuy nhiên, vì thời gian thực hiện rất ngắn nên chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ và có những chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách làm thế nào, đảm bảo cho đúng quy hoạch để quản lý, kiểm soát trong các dự án việc vượt công suất.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cho hay, EVN thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoảng 1, Điều 8 Thông tư 18 ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến những đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà.
Việc EVN ủy quyền cho các đơn vị thực hiện, nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời đã dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, liên quan đến những tồn tại, sai sót ở lĩnh vực này thì các cơ quan có thẩm quyền đã vào kiểm tra và có kết luận. Về trách nhiệm các tập thể, cơ quan, cá nhân liên quan của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, bất cứ tập thể, cá nhân nào vi phạm thì Bộ đã thực hiện nghiêm túc theo đúng kết luận.