Bộ Công Thương: Thương nhân cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch nhằm hạn chế rủi ro.
Trước tình trạng hàng nghìn xe container chở hàng hóa nông sản vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương cho biết đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng này. Nhà chức trách cũng khuyến cáo doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu cần cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thực tế tại các cửa khẩu, tránh tình trạng tiếp tục đưa hàng lên khi chưa được thông quan.
Ùn ứ hàng hóa tại khu vực biên giới với Trung Quốc
Đại diện Bộ Công Thương cho biết trong một những ngày gần đây, trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày.
Ước tính tại cửa khẩu Hữu Nghị lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình khoảng 450 xe/ngày (xuất khẩu 120 xe/ngày, nhập khẩu 330 xe/ngày); tại cửa khẩu Tân Thanh lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình khoảng 300 xe/ngày (xuất khẩu 200 xe/ngày, nhập khẩu 100 xe/ngày); tại cửa khẩu Chi Ma lượng phương tiện xuất nhập khẩu khoảng 75 xe/ngày (xuất khẩu 40 xe/ngày, nhập khẩu 35 xe/ngày).
Trong khi đó, lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu lại vượt so với năng lực thông quan.
Đánh giá về việc này, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện phía bạn đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc tăng cao.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch vốn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này nên đã phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.
Theo đại diện Bộ Công Thương, bên cạnh việc điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt-Trung (như khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch…), cơ quan này cũng đẩy mạnh trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước…
Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên thông tin và nhiều lần có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như đề nghị các địa phương, các vùng trồng trọng điểm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin tình hình các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là trong thời điểm gần Tết về tình hình ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn.
“Các doanh nghiệp cần lưu ý những thông tin về lịch nghỉ Tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của phía bạn,” ông Toản cho hay.
Chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch
Để cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, theo đại diện Bộ Công Thương, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan theo dõi sát tình hình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và từ phía Trung Quốc để có biện pháp điều tiết xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, cùng Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi Chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cùng với đó, tăng cường công tác phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam…
Tuy vậy, về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính). Bởi lẽ, trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh…
"Việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì những trở ngại, nhất là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hay những trở ngại khác của trao đổi cư dân sẽ không gặp phải. Khi đó, việc xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều," ông Trần Quốc Khánh nói./.
Tại văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề phát sinh tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
Lãnh đạo Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới.
Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nắm thông tin, liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản minh bạch, công khai có lợi cho người nông dân; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối, điều tiết hàng đưa lên cửa khẩu biên giới hợp lý, hiệu quả./.