Bộ Công Thương tổ chức đào tạo kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững
Bộ Công Thương tổ chức chương trình đào tạo kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh trong nước, quốc tế.
"Chìa khóa" giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, mở rộng thị trường “xanh”
Ngày 14/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Sinh thái và Môi trường (EEI) cùng Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn và sản xuất, tiêu dùng bền vững. Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế, tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Thanh Minh.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp”, hợp tác giữa Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe trong nước và trên thị trường quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Khóa đào tạo này là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động hợp tác được thiết lập từ bản tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan năm 2022. Trong đó, UNDP đóng vai trò là đối tác chiến lược thúc đẩy thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Lâm Giang, hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi đáng kể, với sự đóng góp quan trọng từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, bao bì, điện tử và thực phẩm. Tuy nhiên, áp lực từ việc sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, cùng yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn môi trường từ các thị trường quốc tế, đặt ra nhiều thách thức.
Việc áp dụng mô hình sản xuất bền vững và kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo cơ hội tiếp cận các thị trường “xanh”. Để hỗ trợ quá trình này, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách như: Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững (2021-2030), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2019 - 2030), Công điện 17 về thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững và Chỉ thị 14 về phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành Công Thương.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan và UNDP tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, kết nối doanh nghiệp với nguồn lực tài chính xanh, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thực tế.
Khóa đào tạo lần này cung cấp kiến thức về chính sách, tiêu chuẩn xanh trong nước và quốc tế, các công cụ thực hành như đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), hướng dẫn xây dựng kế hoạch chuyển đổi kinh tế tuần hoàn theo ISO 59010:2024, và giới thiệu các nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.
Chương trình kéo dài đến ngày 18/7/2025, với các nội dung chuyên sâu tập trung vào các ngành cụ thể như nhựa và dệt may - những lĩnh vực chịu nhiều sức ép chuyển đổi nhưng cũng có nhiều tiềm năng xuất khẩu xanh.

Bà Fleur Gribnau, Thư ký thứ Nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Minh.
Chia sẻ tại chương trình đào tạo, bà Fleur Gribnau, Thư ký thứ Nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của sáng tạo và chuyển đổi xanh trong phát triển bền vững. Bà Fleur Gribnau cho rằng, đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một định hướng bao trùm, đòi hỏi sự chung tay và tầm nhìn dài hạn giữa các quốc gia. Theo bà Fleur Gribnau, để hướng tới một tương lai bền vững, tất cả các bên cần cùng chia sẻ mục tiêu và phối hợp hành động, bởi “chỉ khi có một tầm nhìn chung, chúng ta mới có thể kiến tạo một tương lai chung”.
Nhiều chuyên đề thiết thực tại khóa đào tạo
Tại khóa đào tạo, nhiều nội dung chuyên đề quan trọng đã được các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế trình bày cập nhật chính sách, công cụ và các bài học thành công thực tế. Qua đó, mang lại kiến thức thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chia sẻ tại chương trình, TS. Đỗ Thu Nga (Viện Sinh thái và Môi trường - EEI) đã trình bày tổng quan về các khái niệm chủ chốt như sản xuất - tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn. Bà nhấn mạnh vai trò của tư duy vòng đời sản phẩm, chuỗi cung ứng xanh, thiết kế sinh thái, cộng sinh công nghiệp, mô hình kinh doanh tuần hoàn, mô hình 9R và năm nguyên tắc cốt lõi của sản xuất - tiêu dùng bền vững. Theo bà Nga, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu tài nguyên mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng đặt nặng các tiêu chí xanh.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED). Ảnh: Thanh Minh.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), phân tích khung chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, nổi bật là Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 05/2025/NĐ-CP về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cùng các Quyết định số 687/QĐ-TTg và 222/QĐ-TTg. Ông Quân cũng nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật và chính sách của EU đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó CSR, ESG và Net-Zero đang trở thành những yếu tố bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, bà Đặng Thanh Huyền (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) cung cấp thông tin cụ thể về các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng trong các lĩnh vực vật liệu, năng lượng và sản phẩm thân thiện môi trường.
Đáng chú ý, GS. Tim Haaker (Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion – Hà Lan) đã cập nhật các chính sách xanh nổi bật của EU như Thỏa thuận xanh (EU Green Deal), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP), Quy định thiết kế sinh thái (ESPR), Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD). Đây là những yếu tố doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý khi muốn tiếp cận thị trường châu Âu.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Kỹ thuật Môi trường Bảo Châu - cho biết, các doanh nghiệp rất cần sự hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan quản lý trong quá trình chuyển đổi xanh. “Doanh nghiệp không phải tổ chức phi lợi nhuận nên họ cần chính sách cụ thể, hợp pháp để vừa phát triển bền vững vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế”, TS. Hà chia sẻ.
TS. Hà cũng đánh giá cao việc Bộ Công Thương tổ chức đào tạo chuyên đề theo từng ngành như nhựa, dệt may, giúp nội dung đi vào chiều sâu. Đồng thời đề xuất tổ chức thêm tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai để doanh nghiệp được tư vấn trực tiếp và thực sự thấu hiểu các chính sách mới.
Theo Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, khóa đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn góp phần xây dựng mạng lưới liên kết giữa các bên liên quan. “Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp thu được thông tin hữu ích, xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp, đóng góp vào phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho nền kinh tế Việt Nam”, bà Lâm Giang nhấn mạnh.