Bộ Công Thương: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 4/4, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Tài chính và quản lý doanh nghiệp đã chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu trong quý và việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam và nguồn gốc xuất xứ hàng Việt xuất khẩu sang thị trường này.

Tại buổi họp báo Bộ Công Thương đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến chính sách thuế của Mỹ
Xuất khẩu quý I/2025 tăng trưởng hai con số
Ông Sơn cho hay, tình hình địa chính trị năm 2025 dự báo sẽ phức tạp hơn so với năm 2024 bởi không chỉ có xung đột về quân sự mà còn có sự gia tăng xung đột về thương mại.
Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống vào tháng 01/2025 cùng với những chính sách mới áp dụng đối với các đối tác thương mại đã và đang tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao thông qua việc gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.
Mặc dù có những thách thức, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 3/2025, với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng 3/2024.
Xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong hai tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 19% so với tháng 3 năm 2024.
Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu. Điều cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh. Theo đó, cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). “Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 ”- ông Bùi Huy Sơn đánh giá.

Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024
Việt Nam sẵn sàng đàm phán
Vấn đề nóng nhất hiện nay được nhiều người quan tâm là việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam và nguồn gốc xuất xứ hàng Việt xuất khẩu sang thị trường này.
Trả lời vấn đề này tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị Mỹ hoãn áp thuế. Bộ Công Thương cũng đã liên hệ với cơ quan ngoại giao, và nhiều kênh khác nhau để thu xếp có thể có cuộc điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị nhiều nội dung mà Mỹ quan tâm. Mục tiêu là giải thích rõ hơn về các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế... đồng thời triển khai nhiều nội dung, thậm chí sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.
Về động thái từ phía Mỹ, ông Tân cho biết, Bộ Công Thương vừa gửi công hàm ngày 3/4 và đang đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Trưởng Cơ quan Thương vụ tại Mỹ tích cực chủ động liên hệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Thông tin thêm về cuộc điện đàm sắp tới của bộ trưởng Bộ Công Thương với người đồng cấp, ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), cho hay Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía bạn, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.
Trước tình hình hiện nay, ông Linh cho biết phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu.
"Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa"- ông Linh nhấn mạnh.