Chủ động ứng phó với biến động thuế quan

Ngay khi Mỹ phát đi thông tin áp thuế nhập khẩu đối ứng hơn 180 đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, Chính phủ đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này. Mức thuế 46% nếu được áp dụng sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Khẩn trương tìm giải pháp

Rạng sáng 3/4 Mỹ phát đi thông tin áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Theo đó, thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ đưa ra dao động 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm “đối ứng” với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này, dự kiến có hiệu lực từ 9/4. Theo phân tích của giới chuyên gia, việc áp thuế sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh từ những động thái áp thuế của Mỹ. Ảnh: T.L.

Doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh từ những động thái áp thuế của Mỹ. Ảnh: T.L.

Vì vậy, quan điểm chung nhất quán được đưa ra là Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Mỹ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp (DN) Mỹ đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), về xuất khẩu, hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP.

Với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm đến 20- 30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường.

Về nhập khẩu, Việt Nam có thể phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại, nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là thủy sản, hồ tiêu, gia vị... trong đó sản phẩm gia vị chiếm đến 70% thị phần tại thị trường này.

“Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rất tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với nông sản, mở cửa thị trường cho bạn; giảm thuế cho nhiều mặt hàng. Thông qua trao đổi với Tham tán nông nghiệp Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy đây sẽ là yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới để Việt Nam có thể được chấp nhận việc giảm thuế hoặc tránh tăng thuế đối với nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.

Ở góc độ DN, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước kiêm Tổng Giám đốc Công ty Long Sơn, cho biết các DN đều bất ngờ và bị động trước chính sách mới của Tổng thống Donald Trump. “Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 1 tỷ USD. Trường hợp Mỹ áp dụng chính sách thuế mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành” - ông Sơn nói.

Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước cho hay, ngay sau khi có thông tin về chính sách thuế mới, các DN điều đã chủ động liên hệ với khách hàng Mỹ để điều chỉnh kế hoạch giao hàng nhưng nhận được nhiều phản hồi khác nhau. Theo đó, có khách hàng trả lời nếu mở tờ khai hải quan trước ngày 9/4 thì tiếp tục giao nhưng cũng có khách hàng đề nghị tạm hoãn chờ chính sách rõ ràng hơn.

Nỗi lo bị áp thuế 46% với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ thực sự khiến các DN Việt nặng gánh.

Chưa hết, ngày 4/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9/2024, khi DOC nhận được đơn kiện từ các nhà sản xuất thép Mỹ. Kết quả điều tra ban đầu, các DN thép Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 88,12%.

Sau quyết định sơ bộ này, DOC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 18/8, trước khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10/2025.

Nâng cao khả năng chống chịu lâu dài

Việt Nam đang xếp thứ 23 về xuất khẩu và thứ 22 về nhập khẩu trên thế giới, với mức tăng trưởng bình quân trên 13% kể từ năm 2007 tới nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận vượt kỷ lục 800 tỷ USD vào năm 2024, một nửa trong số này đến từ nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối diện với cơn bão thuế quan, những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu có nguy cơ bị tác động rất lớn. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia khuyến cáo muốn giữ được tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, cần tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương... Đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công thương cũng khuyến nghị các DN trong nước chủ động cập nhật thông tin thị trường. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Song song với đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...

Theo TS Chu Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm ngành kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam, các DN cần điều chỉnh lại chuỗi sản xuất, tập trung tăng cường giá trị gia tăng trong nước và hạn chế sử dụng nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc - yếu tố thường bị phía Mỹ kiểm tra gắt gao về xuất xứ. Việc đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ sẽ giúp DN vững vàng hơn trước các biến động chính sách. Một số DN có thể xem xét lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm tại Mexico - quốc gia có lợi thế thương mại với Mỹ nhờ Hiệp định USMCA để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ mà vẫn tránh được thuế cao.

Theo ông Tuấn, để nâng cao khả năng chống chịu lâu dài, Việt Nam cần cải cách thể chế, nghiêm ngặt trong việc thực thi quy tắc xuất xứ để tránh tình trạng hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam. Nếu không kiểm soát tốt, nước ta có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt khác. Do đó, cần thành lập một tổ chức liên ngành, kết hợp giữa khu vực công và tư để theo dõi diễn biến thương mại toàn cầu, đánh giá tác động và đưa ra phản ứng chính sách kịp thời.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Hội đồng DN Hoa Kỳ US-ASEAN (US ABC) chỉ rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử như việc Tổng thống Donal Trump bất ngờ áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Có thể sẽ có các biện pháp đáp trả trong tương lai gây hỗn loạn thị trường thương mại thế giới và tác động mạnh tới thị trường Việt Nam.

“Hiện tại, Chính phủ và các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó. Một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo là “đẩy mạnh xuất khẩu” sẽ bị tác động nặng nề. Vì vậy, cần phải em xét các động lực bền vững từ chính các sức mạnh nội tại của Việt Nam trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước…” - ông Đức nêu quan điểm.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro. Theo đó, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Chi cục hải quan khu vực về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, trong đó yêu cầu các đơn vị tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của DN để có giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ tối đa các DN. Nhằm hạn chế các ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hỗ trợ tối đa các DN; thông báo cho cộng đồng DN về việc Cục Hải quan, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan liên quan kiến nghị Chính phủ nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

H.Hương – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bien-dong-thue-quan-10303171.html