Bộ Công Thương: Xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh… là những nội dung mà Bộ Công Thương đang triển khai mạnh mẽ theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Công Thương đã theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành thông qua trao đổi trực tiếp, bằng văn bản hoặc phối hợp tham gia quá trình xây dựng, góp ý, thẩm tra, thẩm định.
Cụ thể, dựa trên Quyết định số 3783/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, số văn bản Bộ Công Thương phải trình/ban hành theo thẩm quyền là 39 văn bản, gồm 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 33 Thông tư.
Đối với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã triển khai Quyết định số 3679/QĐ-BCT về Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 nhằm xác định vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch và rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/2/2020 về thành lập Tổ công tác của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã cử cán bộ tham gia Tổ công tác và hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát văn bản. Đồng thời, Bộ cũng đang xem xét xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp với Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Đối với công tác xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, hiện trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, Bộ Công Thương không chủ trì xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh nào. Song, Bộ vẫn đang chủ động, tích cực tiến hành rà soát và chuẩn bị tài liệu để đề xuất xây dựng Luật khi được yêu cầu để đảm bảo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Trong đó, năm 2019, bên cạnh việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ còn đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của văn bản theo đúng quy định; cập nhật văn bản mới lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật và Trang thông tin pháp luật của Bộ để người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng. Mặt khác, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin các quy định pháp luật thuộc quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đến các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong năm 2019, nhiều hội nghị phổ biến pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực đã được tổ chức tại các vùng miền, địa phương trên cả nước.
Đáng chú ý, Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 cũng đã được Bộ Công Thương ban hành và đang triển khai theo đúng kế hoạch, bảo đảm thực chất, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Ngoài ra, theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), dự kiến trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ trình/ban hành 39 văn bản gồm 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 33 Thông tư.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động, nhiệm vụ nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, sẽ rà soát Luật, Pháp lệnh, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ sau các kỳ họp của Quốc hội.