Bộ Công Thương xây dựng quy định về xuất xứ hàng hóa sau vụ Khải Silk, Asanzo

Sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, trong đó có câu hỏi liên quan đến vụ Asanzo, Khải Silk...

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Cuối giờ chiều qua (6/11), nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương liên quan đến các vấn đề "nóng" gây chú ý dư luận thời gian qua.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đặt vấn đề: Có hay không buông lỏng quản lý trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ, và khi nào sẽ có quy định về ghi nhãn hàng hóa để bảo vệ hàng Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), cũng đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ về lỗ hổng về mặt pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh, đặc biệt sự công khai minh bạch về quy định thế nào là hàng Việt Nam. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không. Đại biểu Sinh nêu câu hỏi, vụ Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không và Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở"?

Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài Nghị định 31 hướng dẫn về luật quản lý ngoại thương, còn có Nghị định 43 quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác cũng như xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nghị định giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai, tự ghi nhãn mác hàng hóa cũng như xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, đã có hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng như vụ Khải Silk trong thời gian trước kia cũng như sau này có những chưa rõ ràng trong việc ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào với phần giá trị gia tăng ở phần nội địa dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà cụ thể là câu chuyện của Asanzo.

Sau khi xảy ra việc có những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại, như vụ Khải Silk, hay câu chuyện trong việc ghi xuất xứ như câu chuyện Asanzo, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ghi rõ chứng nhận hàng Việt Nam.

Cụ thể, Bộ đã tổ chức xây dựng dự thảo thông tư về chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau một năm xây dựng, đã qua 2 vòng lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành; ý kiến phản biện của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức. Tuy nhiên, đây là việc khó nên phạm vi điều chỉnh thông tư này nghiên cứu kỹ hơn nữa, tránh tình trạng ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Theo Bộ trưởng, qua điểm của Bộ là cần tiếp tục nghiên cứu quy định xiết chặt hơn nữa chứng nhận ưu đãi xuất khẩu đi nước ngoài. Tùy từng ngành sản xuất, các sản phẩm hàng hóa có đặc thù khác nhau để có quy định như thế nào thực sự hữu ích và cần thiết trong quá trình hội nhập. Đây là yêu cầu mới trong quá trình xây dựng văn bản, vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng bàn, soạn thảo, cùng các ngành tiếp thu ý kiến để báo cáo Chính phủ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-xay-dung-quy-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-sau-vu-khai-silk-asanzo-post70166.html