Bộ Công Thương yêu cầu giảm thiểu sự cố tại các nhà máy điện
Bộ Công Thương đánh giá hệ thống điện vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xảy ra các diễn biến bất thường như sự cố các nhà máy điện lớn dẫn đến sụt giảm công suất khả dụng, sự cố lưới điện 500-220kV...
Theo Bộ Công Thương, việc đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định của các nhà máy điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cung ứng điện trong giai đoạn mùa khô năm 2024.
Bộ Công Thương cho biết các đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc phương thức huy động tổ máy và công suất; đáp ứng yêu cầu duy trì ổn định vận hành hệ thống điện (về điều tần, chạy bù đồng bộ điều chỉnh điện áp...), hệ thống thiết bị được vận hành tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn hiện hành, các khiếm khuyết thiết bị, hiện tượng bất thường được phát hiện và xử lý kịp thời.
Dù vậy, theo báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do nguyên nhân nhân sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò...
Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (NMĐ Hòa Bình, NMĐ Sơn La, NMĐ Lai Châu) bám sát tình hình thủy văn, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các nhà máy thủy điện tại thượng nguồn phía Trung Quốc,… để đề xuất và chủ động triển khai phương án vận hành phù hợp.
Đối với vấn đề điều tiết mực nước, các nhà máy cần tổng hợp báo cáo về tình hình thực tiễn, đảm bảo tính đa mục tiêu của các hồ thủy điện như Sơn La, Hòa Bình và nhiều hồ chứa lớn khác trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn.
"Các nhà máy thực hiện đúng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tập trung vào tháng 3 và tháng 4 - trước cao điểm lũ, giúp các tổ máy duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất để đáp ứng cho công tác cung cấp điện mùa khô", Bộ Công Thương lưu ý.
Đối với nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương yêu cầu cần tiếp tục chỉ đạo công tác vận hành hiệu quả, chú trọng đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện, thường xuyên kiểm tra, giám sát để duy trì hoạt động của nhà máy ổn định theo đúng quy định và huy động của điều độ quốc gia, qua đó phát hiện sớm nguy cơ và phòng ngừa sự cố có thể xảy ra hoặc có phương án kịp thời khắc phục.
"Đặc biệt đối với những sự cố đã xảy ra thời gian qua phải có phương án khắc phục, cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố một lần nữa", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về những khó khăn còn tồn tại trong quá trình hoạt động, cơ quan này cho rằng cần có phương án giải quyết sớm và phù hợp như nghiên cứu sử dụng các nguồn than linh động hơn, phù hợp với yêu cầu để đảm bảo than cho sản xuất điện, phối hợp với các bên liên quan để sớm xây dựng kế hoạch thử nghiệm các đặc tính vận hành P-Q, khả năng phát vô công để đảm bảo hỗ trợ điện áp cho lưới điện khu vực v.v…
Các công ty điện lực cần chủ động làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn, đặc biệt là các khách hàng thuộc các khu-cụm công nghiệp để kịp thời, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện trên địa bàn để khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
"Khẩn trương rà soát công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để vận hành an toàn, ổn định; thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa sự cố; nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng", Bộ Công Thương chỉ đạo.