Bộ Công Thương yêu cầu Grab giải trình phụ thu phí nắng nóng
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) sẽ có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thêm thông tin và giải trình về chính sách thu phụ phí nắng nóng.
Theo đó, thời gian gần đây, hãng gọi xe công nghệ Grab đã cập nhật mức phụ thu phí thời tiết nắng nóng cho một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood, GrabExpress… tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cụ thể, tại Hà Nội và TP HCM, với dịch vụ GrabExpress (giao hàng), Grab sẽ thu thêm 3.000 đồng phí thời tiết, mức phí này là 5.000 đồng với các dịch vụ GrabBike (di chuyển), GrabFood (giao đồ ăn), GrabMart (đi chợ hộ). Tại các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, khách hàng sẽ bị phụ thu thêm 5.000 đồng với dịch vụ GrabBike và GrabFood.
Phụ phí sẽ áp dụng cho từng đơn hàng trong chuyến xe, đồng thời được cộng trực tiếp vào giá cước ở những thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, Grab chưa thông tin cụ thể tiêu chí, mức độ "gay gắt" của thời tiết.
Theo Grab, chính sách mới nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe duy nhất tính đến nay áp dụng chính sách phụ thu thời tiết khắc nghiệt.
Trước đó, vào mùa mưa, Grab đã phụ thu phí mưa ngập với mức phụ thu khoảng 5.000 đồng cho mỗi chuyến xe. Trong khi đó, thông thường, các hãng xe công nghệ chỉ phụ thu khoảng 10.000 - 15.000 đồng cho những chuyến xe chạy vào dịp tết hoặc tăng thêm phí với các chuyến xe chạy ban đêm chứ không có các khoản phí phát sinh do yếu tố thời tiết.
Thị trường gọi xe trực tuyến đã phát triển vượt bậc trong vòng 7 năm qua với doanh thu ước đạt 2,4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2021. Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thị trường này hiện nay chỉ đứng sau ngành thương mại điện tử. Dự báo, tới năm 2025, doanh thu thị trường gọi xe trực tuyến có thể đạt tới 4 tỷ USD, là một thị trường vô cùng hấp dẫn.
Ngay cả trong thời kỳ ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 năm 2019-2021, tuy thị trường gọi xe bị gián đoạn nhưng các hãng gọi xe đã thích ứng rất nhanh chóng khi đã phát triển các dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng như dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử…
Tuy vậy, theo số liệu của Statista năm 2020, tới 99% thị phần thị trường đã thuộc về 3 hãng gọi xe lớn là Grab, Gojek và Be. Còn theo số liệu được công bố tại khảo sát của Q&Me, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab đang chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn be chiếm 18%.
Còn đối với ôtô, Grab vẫn áp đảo với thị phần 66%, be chiếm 22% và phần còn lại thuộc về các ứng dụng khác như FastGo (8%), VATO (4%), MyGO (8%)… Do ứng dụng gọi ô tô GoCar của Gojek ra mắt muộn, vào cuối năm 2021 nên không có mặt trong báo cáo.
Với thị phần là hãng xe lớn nhất và khả năng tiếp cận người dùng nhanh chóng và tiện lợi, hiện nay, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang đem về cho Grab một nguồn doanh thu khổng lồ. Đồng thời, tận dụng lợi thế của mình, hiện mức phí dịch vụ di chuyển của Grab đang cao hơn khoảng 8-30% so với 2 hãng gọi xe còn lại là Gojek và Be.