Bố đã chọn tên con là Thục Quyên
'Tên con mang ý nghĩa gì hả bố?'. Bố vuốt lên mái tóc dài chạm bờ vai của con rồi kể cho con nghe về sự tích loài hoa là biểu tượng của sự may mắn, tình yêu thương, sự thủy chung, gắn bó trong gia đình.
Từ lúc con hoài thai trong bụng mẹ, bố đã nghĩ và trăn trở bao nhiêu tên đẹp, cuối cùng bố chọn tên Thục Quyên làm tên khai sinh cho con. Bố mong ước khi con lớn lên sẽ dịu dàng, hiền thục như bông hoa đỗ quyên khoe sắc và tỏa hương cho cuộc sống thêm màu tươi đẹp. Và khi trưởng thành con gái của bố sẽ làm những việc tuy nhỏ bé, giản dị nhưng sẽ cống hiến những điều thiết thực, ý nghĩa cho quê hương, đất nước.
Bố kể cho con nghe câu chuyện của bố và anh bạn đồng nghiệp, để trái tim con luôn mang nhịp đập của sự bao dung, lòng nhân ái...
Đó là một lần giữa giờ nghỉ giải lao, bố và anh bạn nói về ước mơ: "Nếu có tiền bạc và thời gian sẽ tích cực làm từ thiện". Bố nói với anh bạn về sự trăn trở khi xã hội đầy những kẻ lọc lừa kiếm tiền trên mồ hôi, nước mắt của người khác. Anh bạn sau một thoáng im lặng rồi nói với bố: "Nếu mai sau không còn nghèo khó anh sẽ đến giúp đỡ những bệnh nhân nghèo trong bệnh viện!", bởi anh đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi chăm sóc người thân điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô.
Anh vẫn nhớ cảm giác lo lắng cho những ngày sắp tới, khi cầm những đồng tiền lẻ cuối cùng mua thức ăn cho người thân. Lúc ấy bữa cơm từ thiện của nhóm thiện nguyện là sự hỗ trợ quý giá cho gia đình những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh. Anh xếp hàng đón nhận suất cơm từ thiện gửi trao cùng đôi mắt ấm áp của những bạn trẻ mang tấm lòng nhân ái mà rưng rưng nước mắt trộn hòa cảm xúc nghẹn ngào của lòng biết ơn. Anh tự hứa với trái tim, sau này sẽ báo đáp công ơn của mọi người bằng những nghĩa tình.
Anh bạn đồng nghiệp nhắc đến bệnh viện khiến bố nhớ về thời gian bố mẹ vượt qua trong cuộc hành trình mang con đến thế giới này.
Đó là buổi sớm giữa mùa đông rét buốt, bố mẹ xếp hàng đợi chờ đến lượt vào khám tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Trời chưa sáng nhưng những đôi vợ chồng đã nối dài, lấp đầy khoảng sân bệnh viện. Bố mẹ nghe trong câu chuyện mọi người nói với nhau về hành trình nhiều năm kiếm tìm tiếng khóc cười trẻ thơ. Một người phụ nữ nói giọng miền Trung chia sẻ rằng gần mười năm chị ngược xuôi khắp các bệnh viện từ bắc vào nam, trải qua mấy lần cấy ghép phôi thai thất bại. Nhưng chị vẫn nuôi dưỡng ước mơ được làm mẹ trong thiên chức thiêng liêng. Một người đàn ông khẽ thầm thì với người vợ bên cạnh, lời nói xen trong tiếng thở dài lo âu. Hồi nhỏ anh bị quai bị, chẳng biết còn chút hy vọng?!
Sau khi đọc kết quả xét nghiệm, bác sỹ bảo, trường hợp của bố cực kỳ khó để có thể có con. Lời của bác sỹ khiến bố choáng váng như có sợi dây thắt chặt luồng hơi thở trong lồng ngực và mạch máu trong trái tim. Bố nghĩ về những năm tháng làm việc trên miền công trường bụi nắng. Phải chăng thứ khói hàn đặc quánh và tia hồ quang nóng bỏng tiềm ẩn sự độc hại đã cướp đi ước mơ của bố? Phải chăng bố đã đánh đổi sự quý giá, thiêng liêng trong bước chân mưu sinh?
Bố tự đặt ra những câu hỏi để kiếm tìm câu trả lời. Rồi bố lại nghĩ về quãng thời gian, mẹ của con phải chịu đựng những điều gièm pha, mỉa mai của xóm làng. Kẻ ác ý ví mẹ của con như thứ cây độc chẳng thể đơm, hoa kết trái dù bố mẹ cưới nhau chưa được bao lâu.
Chiều hôm ấy trên đường về nhà, bố mẹ lặng lẽ đi cùng nhau, rồi trôi theo dòng suy nghĩ ảm đạm như tiết trời mùa đông.
Bố mẹ đã vượt qua trăm ngàn khó khăn để mang con đến với thế giới này. Sau khi tìm ra nguyên nhân, mẹ của con vào mạng kiếm tìm những bài thuốc và phương pháp điều trị cho bố. Nghe bạn bè, người thân giới thiệu về những thầy lang nắm giữ bài thuốc quý. Bố mẹ vượt cả quãng đường trăm cây số tìm đến những bản làng heo hút nơi núi rừng mua những thang thuốc lá. Mẹ luôn sợ những đắng cay nhưng vì con và gia đình, mẹ cố nhắm mắt uống những bát thuốc đắng ngắt. Nhiều lúc trầm cảm, mệt mỏi mẹ nói với bố về dự định sinh con theo phương pháp thụ thai trong ống nghiệm. Lúc ấy, bố mẹ mới cảm nhận được sự mệt mỏi và nghị lực của người phụ nữ miền Trung từng gặp ở bệnh viện.
Dự định của bố mẹ chưa kịp thực hiện thì con bất ngờ tượng hình trong bụng mẹ. Bố và mẹ vỡ òa niềm hạnh phúc. Những tối sau khi đưa mẹ đi bộ về, bố áp tai vào bụng mẹ nghe tiếng con khẽ cựa. Bố nói chuyện với con rồi đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích khắp trăm miền. Kết thúc của mỗi câu chuyện cổ tích thường mang ý nghĩa của sự vị tha, lòng nhân hậu, bao dung... Và đó cũng là điều bố mẹ muốn nhắn nhủ trước khi con đến với thế giới này.
Bố mẹ đặt tên con mang tên một loài hoa bởi bố mẹ cũng mang tên những loài hoa. Mẹ của con là bông hoa ly đỏ luôn nồng cháy tình cảm trước những chông gai, trắc trở. Còn bố mang tên của loài hoa tỏa ánh sáng đẹp lung linh, lộng lẫy trong đêm tối, tương trưng cho tình yêu trăm năm chung thủy...
Mai sau lớn khôn, đôi chân con sẽ bước đi trên những chặng đường mới như những cánh hoa bung nở đón nắng. Trên hành trình ấy, có thể đôi con sẽ vấp ngã vào những chông gai. Nhưng con hãy đứng lên bằng nghị lực như những hạt hoa không bao giờ lụi tàn trong bão gió. Đên một nơi nào những hạt hoa sẽ gieo mầm những mùa hoa tươi sắc đất trời.
Bố muốn kể cho con nghe thêm một câu chuyện. Đó là buổi sáng đi làm, bố nhìn thấy phía bên kia đường, một cụ ông kéo theo cụ bà tàn phế đôi chân nằm trên tấm ván gỗ đi dọc đường xin ăn trong sự vô cảm của người qua đường. Sợi dây thừng lằn rách chiếc áo cũ in, vết hằn vết đỏ vào vai ông là minh chứng cho quãng đời cực khổ của hai ông bà. Bố cố đợi cho ngã ba vãn những chiếc xe, để băng qua đường bỏ vào chiếc nón rách của bà chút tiền ăn sáng của bố. Ca làm việc hôm ấy, bụng bố đói cồn cào nhưng tấm lòng bố khấp khởi niềm vui. Vì có thể bữa trưa ấy ông bà sẽ có thêm một chút cơm ấm lòng. Bố muốn kể cho con nghe thêm nhiều câu chuyện nữa để con hiểu thêm về cuộc sống. Nhưng có lẽ giá trị sâu sắc nhất là khi con đọc được bài viết này.
Bố luôn đồng hành cùng con gái đầu lòng trong hành trình vươn mình từ mầm hoa nhỏ bé. Từ cuộc sống con sẽ tích lũy thêm sự vị tha, lòng nhân hậu, bao dung.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Kiều Xuân Quỳnh
Địa chỉ: Xóm 3 – thôn Miếu Môn – Trần phú Chương Mỹ - Hà Nội
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bo-da-chon-ten-con-la-thuc-quyen-d191083.html