Bồ Đào Nha giải tán Quốc hội: Chính trường có nguy cơ bất ổn

Hội đồng Nhà nước Bồ Đào Nha ngày 4-11 đã thông qua đề nghị của Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa để giải tán Quốc hội sau khi các nghị sĩ bác bỏ dự thảo ngân sách năm 2022 do Chính phủ đệ trình. Động thái này mở đường cho một cuộc bầu cử trước thời hạn, đồng thời báo hiệu có thể sẽ kết thúc 6 năm ổn định của chính trường Bồ Đào Nha dưới thời Thủ tướng Antonio Costa.

Hội đồng Nhà nước Bồ Đào Nha đã thông qua đề nghị giải tán Quốc hội.

Theo Euronews, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974, Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ dự luật ngân sách do Chính phủ đệ trình. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, dự luật ngân sách năm 2022 của Thủ tướng Antonio Costa chỉ giành được 108/230 phiếu ủng hộ, không đủ quá bán để thông qua tại cơ quan lập pháp. Trong văn bản này, ông dự định cắt giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và tăng đầu tư công để kích thích sự phục hồi sau đại dịch. Người đứng đầu nội các Bồ Đào Nha cũng ưu tiên cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 4,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp được đưa ra để giảm nợ công xuống còn 122,8% GDP và lạm phát dừng lại ở mức 0,9%. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm từ 6,8% vào cuối năm 2021 xuống 6,5% vào năm 2022, con số thấp nhất kể từ năm 2003. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đa số nghị sĩ không đồng tình với kế hoạch tài chính quá tập trung vào việc cắt giảm thâm hụt, bỏ qua yêu cầu về việc tăng cường bảo vệ người lao động, cải thiện an sinh xã hội và thúc đẩy hơn nữa đầu tư công vào hệ thống dịch vụ y tế.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Antonio Costa cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khi nền kinh tế vốn phụ thuộc vào ngành Du lịch, đã suy giảm 7,6% vào năm 2020, và rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1936. Nợ công không ngừng tăng lên, ước tính đến thời điểm hiện tại là 330,4 tỷ USD. Cách đây ít tháng, Lisbon đã được Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận trợ cấp 13,9 tỷ euro và 2,7 tỷ euro dưới dạng khoản vay từ Liên minh châu Âu (EU) cho đến năm 2026 để thực hiện kế hoạch phục hồi sau đại dịch cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số và xanh hơn. Thủ tướng Antonio Costa cho rằng, ông không thể mạo hiểm đối với các khoản chi tiêu từ ngân sách khi bài học từ cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011 vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn đối với quốc gia này.

Theo Hiến pháp Bồ Đào Nha, bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm Tổng thống tuyên bố giải tán Quốc hội. Bộ trưởng Kinh tế Pedro Siza Vieira cho rằng, bầu cử trước thời hạn dường như là lựa chọn tốt nhất để chấm dứt thế bế tắc hiện tại và sẽ không phương hại đến cam kết của Chính phủ trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính hay triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, một cuộc bầu cử sẽ không thể giải quyết thế bế tắc chính trị ở Bồ Đào Nha. Với tình hình thực tế hiện nay, rất khó để một chính đảng hoặc liên minh nào có thể đạt được đa số ổn định tại Quốc hội.

Hiện tại, Thủ tướng Antonio Costa vẫn được coi là một ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 1-2022. Thế nhưng, một khi giành thắng lợi, ông sẽ tiếp tục phải đối mặt với “bài toán” ngân sách, vốn là nguyên nhân khiến Quốc hội vừa phải giải tán. Trong khi đó, khủng hoảng chính trị là một “kịch bản” khiến dư luận Bồ Đào Nha lo ngại nhất vào thời điểm hiện nay. Vì một khi điều đó xảy ra, những bất ổn trên chính trường sẽ là rào cản khiến cho kế hoạch triển khai chương trình phục hồi từ gói trợ cấp của EU bị đình trệ. Giới bình luận quốc tế cho rằng, các đảng phái tại Bồ Đào Nha nên ngồi vào bàn thương lượng để sớm tìm ra giải pháp thu hẹp bất đồng, hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích chung cho đất nước.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1016573/bo-dao-nha-giai-tan-quoc-hoi-chinh-truong-co-nguy-co-bat-on