Bỏ điểm sàn, thay bằng dự báo điểm chuẩn đại học sẽ đỡ khó cho thí sinh?
Điểm sàn không còn ý nghĩa nếu được đưa ra quá thấp so với điểm chuẩn. Theo một số chuyên gia giáo dục, các trường đại học có thể bỏ luôn điểm sàn, thay vào đó là đưa ra dự báo điểm chuẩn để thí sinh nộp hồ sơ, trừ một số ngành đặc thù.
Mức điểm sàn thấp quá dẫn đến tình trạng lầm tưởng điểm chuẩn cũng thấp
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi và phổ điểm, các trường đại học lần lượt đưa ra mức điểm sàn riêng. Hiện Bộ GD-ĐT chỉ quy định điểm sàn một số lĩnh vực đặc thù như sức khỏe, sư phạm, bán dẫn.
PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TPHCM thừa nhận, nhà trường không quan tâm nhiều đến điểm sàn nên thường dùng trung vị của phổ điểm để thông báo. Với góc độ tuyển sinh nói chung, ông thấy một số trường lớn cũng dùng cách tương tự như Bách khoa (dùng trung vị). Tuy nhiên, nhà trường luôn có các kênh thống kê, đưa dự báo để thí sinh cân nhắc. Đáng tiếc thang điểm hiện nay là thang điểm thô (raw), không phải thang chuẩn hóa (scaled/ standardized), nên mỗi năm đều phải làm các công bố theo kiểu dự đoán.
Năm nay Trường Đại học Nha Trang rất khác biệt khi không công bố điểm sàn. "Nhà trường không công bố điểm sàn mà chủ yếu thông tin cho thí sinh về điểm chuẩn các năm trở lại đây và dự báo năm nay giảm so với năm trước để thí sinh có định hướng rõ hơn. Thực tế điểm sàn công bố không quá ý nghĩa, đôi khi gây khó cho thí sinh và cả nhà trường", PGS Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nha Trang nói.
Theo PGS Tô Văn Phương, nhà trường dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự báo điểm chuẩn vào trường sẽ giảm 1-3 điểm tùy từng ngành, so với năm ngoái. Đồng thời thông tin dự báo này đến thí sinh, để các em tự xác định nộp hồ sơ xét tuyển. Trường sẽ thực hiện xét tuyển từ cao xuống thấp cho tới khi đủ chỉ tiêu.
Theo thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, trừ những ngành như y dược, sư phạm, bán dẫn, luật phải công bố điểm sàn thì những ngành còn lại điểm sàn không có nhiều ý nghĩa. Lý do là thí sinh có thể dựa trên phổ điểm của năm nay và điểm chuẩn của năm trước để ước lượng được. Có chăng điểm sàn chỉ giúp thí sinh không đăng ký đại quá nhiều nguyện vọng mà bất chấp tình hình thực tế về điểm thi.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho rằng các trường hoàn toàn tự quyết nên có thể công bố hoặc bỏ "điểm sàn", không bắt buộc phải dự đoán gần đúng.
“Có lẽ nên có quy định các trường đại học dựa vào điểm trúng tuyển 3 năm gần nhất để đưa ra mức điểm sàn gần với mức điểm chuẩn. Mức điểm sàn thấp quá dẫn đến tình trạng lầm tưởng là điểm chuẩn cũng thấp. Và bộ phận ra đề thi tốt nghiệp THPT cũng phải chuẩn hóa cho điểm tương xứng với các năm trước. Vì đề thi tốt nghiệp THPT mỗi năm một khác, có năm điểm cao chót vót, có năm thì thấp lè tè làm các trường đại học lo lắng. Cho nên quan trọng nhất là vẫn là đề thi tốt nghiệp THPT”, ông nói.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Trọng Tùng
Bỏ điểm sàn cần trách nhiệm trường đại học
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận rằng bỏ điểm sàn là một ý tưởng mới mẻ và tiến bộ. Theo ông Dũng, nếu bỏ điểm sàn, hệ thống tuyển sinh đại học Việt Nam sẽ chuyển mạnh mẽ hơn sang cơ chế tự chủ - nơi các trường đại học phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra.
Khi không có điểm sàn chung làm “rào chắn” tối thiểu, các trường cần nâng cao vai trò tự chủ và trách nhiệm để đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt dẫn đến “thừa thầy thiếu thợ” hoặc thất nghiệp sau tốt nghiệp. Lúc này cần xây dựng và công khai tiêu chí tuyển sinh rõ ràng, minh bạch. Các trường phải tự thiết lập ngưỡng điểm xét tuyển riêng dựa trên năng lực đào tạo, nhu cầu xã hội và chất lượng đầu vào phù hợp.
Bên cạnh đó việc đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra rất quan trọng. Trách nhiệm lớn nhất là lọc thí sinh có khả năng theo học, tránh tuyển sinh “vét” dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao hoặc chất lượng sinh viên kém. Các trường phải kiểm soát đầu ra thông qua chương trình đào tạo chuẩn, đánh giá định kỳ và liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm. Nếu chất lượng thấp, trường mất uy tín, giảm nguồn tuyển sinh về lâu về dài. Như vậy quy luật thị trường sẽ thể hiện trong tuyển sinh.
Mặt khác cần tăng cường giám sát nội bộ và phối hợp với cơ quan quản lý. Các trường cần phải báo cáo minh bạch về kết quả tuyển sinh, tránh lạm dụng tự chủ để hạ thấp tiêu chuẩn.
“Bỏ điểm sàn là bước tiến trao quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học, nhưng trường phải chịu trách nhiệm xã hội, góp phần phân luồng học sinh, hướng một phần học sinh vào trường nghề thay vì đại học”- ông Dũng nói.
Trong trường hợp các trường vẫn cố ý “vét” thí sinh với dự báo điểm chuẩn thấp như điểm sàn, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, đây là rủi ro lớn vì một số trường có thể hạ thấp ngưỡng để thu hút hồ sơ, dẫn đến chất lượng đầu vào kém và hậu quả lâu dài, như vậy sẽ xảy ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh.
Sinh viên trúng tuyển với điểm thấp không theo kịp chương trình, tăng tỷ lệ bỏ học và sau tốt nghiệp khó tìm việc, góp phần vào tình trạng thất nghiệp như hiện nay. Các trường này cũng mất uy tín, khó thu hút sinh viên chất lượng cao trong tương lai.
Do vậy, nếu trường vi phạm như tuyển sinh vượt chỉ tiêu hoặc chất lượng thấp có thể bị cắt chỉ tiêu, đình chỉ tuyển sinh, hoặc thu hồi quyền tự chủ. Bộ GD-ĐT vẫn phải ra quy định điểm sàn riêng cho các ngành đặc thù như sư phạm hoặc y dược để bảo đảm chất lượng. Phụ huynh, thí sinh sẽ “bỏ phiếu” bằng cách tránh các trường kém uy tín.
“Bỏ điểm sàn thúc đẩy tự chủ nhưng đòi hỏi các trường phải chuyên nghiệp hơn, với trọng tâm là chất lượng và minh bạch. Nếu không hệ thống giáo dục có nguy cơ suy giảm uy tín tổng thể. Thí sinh nên cân nhắc kỹ thông tin từ nhiều nguồn trước khi đăng ký để tránh rủi ro", ông Dũng khuyến cáo.