Chương trình đào tạo tiến sĩ: Bộ GDĐT nên quản lý tiền kiểm hay hậu kiểm?

Theo chuyên gia, vấn đề không nằm ở ai phê duyệt CTĐT tiến sĩ, mà ở năng lực, trách nhiệm giải trình và hệ thống đánh giá chất lượng rõ ràng, minh bạch.

Tiến sĩ là trình độ đào tạo và học vị khoa học cao nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Thực trạng và yêu cầu đổi mới quản lý đào tạo tiến sĩ

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 196 cơ sở được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành, với tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. [1]

Mặc dù công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực, song thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt về chất lượng. Trong văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng (tháng 2/2023), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam hiện nay chưa đồng đều giữa các trường.

Nguyên nhân được xác định là do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế, dẫn đến công bố khoa học bắt buộc còn mang tính đối phó. Tình trạng “nể nang” trong đánh giá luận án, hay đề tài quá hẹp, chưa bảo đảm giá trị khoa học vẫn còn tồn tại. [2]

Theo dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển từ quản lý theo điều kiện mở ngành sang quản lý theo chương trình đào tạo, trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo trong khuôn khổ đăng ký. Riêng với trình độ tiến sĩ, các chương trình đào tạo phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và trách nhiệm giải trình.

Bộ GDĐT phê duyệt chương trình: Không mâu thuẫn với tự chủ nếu minh bạch

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và Sau đại học (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy định hiện hành, các trường tự chủ nếu đủ điều kiện sẽ được tự chủ mở ngành. Từ đó, các trường tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa theo chuẩn chương trình đào tạo.

Với quy định mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo không dùng thuật ngữ mở “ngành đào tạo” mà chuyển sang xây dựng “chương trình đào tạo”.

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn cho rằng việc điều chỉnh quản lý theo hướng mới này là hợp lý, phù hợp và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

“Tuy nhiên để triển khai hiệu quả, cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, cần quy định rõ lộ trình chuyển tiếp nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học chủ động chuẩn bị, đảm bảo quyền lợi người học cũng như định hướng phát triển bền vững của từng đơn vị”, thầy Sơn đề xuất.

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn cũng cho rằng, việc phê duyệt từng chương trình tiến sĩ sẽ không gây nhiều khó khăn nếu có quy trình rõ ràng, minh bạch, tiêu chí cụ thể và thời gian phê duyệt hợp lý.

“Nếu được hỗ trợ bằng hệ thống quản lý số hóa, đơn giản hóa thủ tục và minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ, thì việc phê duyệt này không ảnh hưởng nhiều đến quyền tự chủ mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, thầy Sơn cho hay.

Vị Viện trưởng cũng nhấn mạnh, khi sửa đổi luật, điều quan trọng là cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo, cũng như quy định rõ ràng về điều kiện chuyển tiếp để các cơ sở đào tạo có thời gian chuẩn bị và triển khai phù hợp.

“Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và chúng ta đang đi đúng hướng. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có cơ chế và công cụ giám sát hiệu quả.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa sẽ khắc phục các hạn chế trong việc phê duyệt quyền thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ, sẽ là giải pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo chất lượng, vừa duy trì sự linh hoạt và chủ động của các cơ sở giáo dục đại học”, thầy Sơn nhận định.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Xuân Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Quy Nhơn cũng nhìn nhận, việc “siết chặt” quy định đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và hợp lý.

Theo Phó Giáo sư Quang, việc quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình đào tạo tiến sĩ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng ở bậc học tinh hoa, mà còn tạo hành lang pháp lý cần thiết để kiểm soát hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt trong triển khai Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (Đề án 89).

Nên quản lý tiền kiểm hay hậu kiểm?

Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, giải pháp phù hợp hơn là tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

“Thay vì phê duyệt chương trình đào tạo trước khi các trường triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung vào công tác hậu kiểm và xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Quan trọng là phải có quy định rõ ràng về mức độ chế tài nếu chương trình không đạt yêu cầu sau hậu kiểm”, thầy Phúc đề xuất.

Theo Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc, hiện nay các điều kiện để mở ngành đào tạo tiến sĩ đã tương đối bài bản và hợp lý. Nếu yêu cầu thẩm định từng chương trình đào tạo có thể sẽ gây quá tải cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho các trường.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung vào việc xây dựng chuẩn chương trình và kiểm định chất lượng đầu ra thay vì thẩm định từng chương trình đào tạo.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra bộ chuẩn chương trình đào tạo tiến sĩ để các trường dựa vào đó thiết kế chương trình riêng, thay vì phê duyệt từng chương trình đào tạo”, Tiến sĩ Khuyến nhận định.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức (Trường Đại học Thành Đô) cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước mở rộng tự chủ học thuật.

“Về nguyên tắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiên có vai trò quản lý đào tạo ở tất cả các trình độ, trong đó có đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu Bộ phê duyệt các chương trình đào tạo thì có thể làm chậm quá trình tự chủ và mất đi tính đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học”, chuyên gia băn khoăn.

Với vai trò là người trực tiếp đào tạo nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho rằng chất lượng đào tạo không nằm ở việc ai duyệt chương trình đào tạo, mà ở năng lực triển khai và trách nhiệm giải trình của đơn vị đào tạo. Theo chuyên gia, việc các trường được phê duyệt chương trình đào tạo sẽ giúp tăng tính chủ động, đổi mới sáng tạo hơn.

Muốn có tiến sĩ thật, cần hệ sinh thái đào tạo chất lượng

 Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Vấn đề cốt lõi, theo nhiều chuyên gia, không nằm ở ai “duyệt” chương trình mà là ở năng lực và trách nhiệm giải trình của các trường, cùng hệ thống đánh giá chất lượng rõ ràng và công khai. Theo đó, ngoài cơ chế kiểm định và minh bạch thông tin, các chính sách hỗ trợ tài chính và đầu tư hạ tầng cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc cho biết, mỗi năm nhà trường tuyển khoảng 100 nghiên cứu sinh, tuy nhiên số lượng chủ yếu tập trung ở một số ngành có thế mạnh và nhu cầu lớn.

Để thu hút nghiên cứu sinh, trường đã xây dựng nhiều cơ chế khuyến khích thực chất. Trong đó, các nhóm nghiên cứu mạnh được phép tuyển nghiên cứu sinh. Nếu đáp ứng yêu cầu, các nghiên cứu sinh này có thể chuyển thành nghiên cứu viên chính thức của trường và được trả lương, khuyến khích họ làm việc toàn thời gian.

Ngoài ra, nhà trường cũng áp dụng cơ chế thưởng cho các công bố khoa học nhằm động viên nghiên cứu sinh nỗ lực tạo ra sản phẩm học thuật chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/22-nam-qua-ca-nuoc-tuyen-moi-duoc-32517-nghien-cuu-sinh-post242329.gd

[2]: https://vov.vn/xa-hoi/bo-truong-gddt-thua-nhan-tinh-trang-ne-nang-de-dai-dao-tao-thac-si-tien-si-post1002260.vov

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuong-trinh-dao-tao-tien-si-bo-gddt-nen-quan-ly-tien-kiem-hay-hau-kiem-post253012.gd