Bỏ điện thoại xuống để lắng nghe con
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bài văn viết về điều ước của em học sinh lớp 1 cách đây vài năm. Khác với nhiều em nhỏ ước mơ sau này trở thành bộ đội, công an, bác sĩ, giáo viên… em học sinh này lại ước trở thành một chiếc điện thoại để được bố mẹ dành nhiều sự quan tâm như thế.
Bài văn khiến nhiều người không khỏi giật mình vì thấy bóng dáng mình trong đó. Xã hội phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại chi phối mọi mặt đời sống, do vậy, thách thức dành cho mỗi người luôn rất lớn. Bên cạnh đó, thật sự kỷ luật với bản thân là việc không hề dễ dàng.
Tôi cũng từng có thời gian “nghiện” điện thoại. Ăn cũng lướt điện thoại, trước khi ngủ cũng phải xem một vài chương trình giải trí trên điện thoại. Việc đầu tiên khi thức dậy, tôi mở điện thoại xem mình có bỏ lỡ tin nhắn nào không và rồi trong vô thức, tay tôi lại lướt Facebook… Điện thoại gần như là vật “bất ly thân”. Hôm nào ra khỏi nhà mà quên cầm theo điện thoại thì bứt rứt, khó chịu, thấy đôi tay như thừa thãi. Vì quá mê điện thoại nên tôi ít trò chuyện, chơi cùng con. Thậm chí, tôi rất dễ cáu gắt khi con hỏi những câu không đầu không cuối hoặc nhờ làm giúp một việc gì đó. Không ít lần cậu con trai lớn “lên án” nhưng tôi đều phớt lờ, viện lý do vì công việc. Riêng cô con gái 3 tuổi, mỗi khi thấy mẹ cầm điện thoại liền sà lại mè nheo: “Con chẳng có gì chơi” hoặc “Mẹ cho con xem điện thoại nha”. Vài lần như thế, tôi nhận ra rằng, con trẻ cũng đang tìm cách thích nghi với việc “bị bỏ rơi” bằng niềm vui như mình. Phải mất khá lâu tôi mới có thể “cai nghiện” điện thoại để dành thời gian bên con, chơi cùng con và tự trách mình về sự vô tâm trước đó.
Bạn tôi-một người từng “nghiện” Facebook đến độ đi bất cứ đâu cũng chụp hình, phát trực tiếp trên Facebook và dành phần lớn thời gian để trả lời những bình luận trên đó. Thậm chí, bạn luôn chuẩn bị rất nhiều trang phục trong mỗi chuyến dã ngoại để “sống ảo”, có hình “nuôi” Facebook. Có lần, dẫn cậu con trai 7 tuổi đi chơi trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku), trong lúc bạn mải mê chụp hình thì cậu con trai chạy đến khu vực chuồng nuôi thú. Phần vì hiếu động, phần chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm nên cậu bé đưa tay vào chuồng nuôi khỉ và bị chúng bấu lấy làm cánh tay trầy xước. Sự cố ấy khiến bạn ân hận mãi và từ đó quyết tâm “cai” Facebook.
Trong cuộc sống, chúng ta thường lấy quyền làm cha, làm mẹ áp đặt con trẻ phải nghe theo nhưng lại không nghiêm khắc, kỷ luật với chính mình. Không ít người có thể dành nhiều giờ để chơi game hoặc tương tác trên mạng xã hội với một ai đó mới quen nhưng lại chẳng đủ kiên nhẫn nghe hết câu chuyện của con trẻ. Sự ích kỷ đó vô tình khiến con trẻ bị tổn thương, ít chia sẻ, tự thu mình lại và nghiêm trọng hơn có thể mắc chứng tự kỷ, căn bệnh của thời hiện đại.
“Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, tư duy và nhân cách của con trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình mà trực tiếp là cha mẹ. Bỏ điện thoại xuống để dành thời gian lắng nghe con, trò chuyện, vui chơi cùng con, cảm nhận con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, chắc chắn không có niềm hạnh phúc nào hơn thế.