Bỏ điều kiện đặc thù trong đăng ký thường trú: Cần thiết nhưng phải thận trọng
Việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư trong luật hiện hành được các chuyên gia cho rằng, sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tuy nhiên, cần có quy hoạch mật độ dân cư tại các quận, tránh gia tăng dân số cơ học, tránh phá vỡ hạ tầng xã hội.
Không hạn chế được công dân đến nhập cư
Điều kiện đăng ký thường trú riêng được đưa ra với các TP trực thuộc T.Ư theo quy định của Luật Cư trú hiện hành và Điều 19 Luật Thủ đô. Cụ thể, khi đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã, đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ 1 năm trở lên. Thời gian này tăng lên 2 năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội, thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ 3 năm trở lên…
Mới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có buổi làm việc với TP Hà Nội để khảo sát việc thi hành một số quy định của Luật Cư trú (sửa đổi) trên địa bàn. Đánh giá tại buổi làm việc cho thấy, mặc dù có quy định điều kiện riêng nhưng quy định này chỉ hạn chế công dân không được đăng ký thường trú chứ không hạn chế được công dân đến nhập cư. Công dân các tỉnh không đủ điều kiện đăng ký thường trú vẫn sinh sống, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, điều kiện đăng ký thường trú khiến người lao động mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính, việc xin học, ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú TP trực thuộc T.Ư sẽ tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi cho người dân, giúp tăng số lượng người được đăng ký thường trú và giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu.
Tuy nhiên, nếu chính sách có hiệu lực, Hà Nội có thể phải chịu áp lực dân số do di dân tự do. Những người đang tạm trú có thể dễ dàng chuyển sang thường trú và với số lượng người nhập cư ngày càng gia tăng sẽ gây sức ép rất lớn cho hệ thống hạ tầng, dịch vụ công; tạo áp lực tuyển sinh cho hệ thống trường công lập, nhất là tại các quận nội thành. Như vậy, cần cân nhắc các yếu tố, trong đó, lưu ý đến việc bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như vấn đề an ninh, trật tự, hệ thống dịch vụ công tại các đô thị lớn, tránh gây quá tải.
Nới lỏng quy định cần nhiều cân nhắc
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Công ty Luật TNHH CHD Law, Hà Nội) cho rằng, không tự nhiên Luật Thủ đô quy định điều kiện đặc thù trong đăng ký thường trú tại Hà Nội. Hiện nay các quận của Hà Nội với mật độ dân cư cao, có tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, nếu không có chính sách hạn chế tăng dân số cơ học, sức ép lên cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. Tuy nhiên, quy định điều kiện đặc thù trong đăng ký thường trú tại Hà Nội đã lạc hậu, không mang lại nhiều hiệu quả về mặt quản lý, do vậy cần nới lỏng dần và tìm phương án khác thay thế.
Đại diện các quận cũng cho rằng, việc bỏ quy định điều kiện đăng ký thường trú, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ gia tăng dân số cơ học, gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, áp lực dân số tại Hà Nội rất lớn, nhiều giải pháp đặt ra nhưng chưa được giải quyết triệt để, nếu xóa điều kiện đăng ký thường trú nội thành sẽ gây thêm nhiều áp lực và khó khăn. Vì vậy, các luật khác cần có điều, khoản điều tiết bằng các giải pháp kinh tế - xã hội. Cùng đó, việc quản lý dân cư sẽ gặp nhiều khó khăn: Do dân số cơ học tăng nhanh, đặc biệt đối với các quận nội thành tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vấn đề vệ sinh môi trường, công tác phòng chống dịch, ATTP, quản lý dân số sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việc phân tuyến tuyển sinh sẽ gặp khó khăn; sự thay đổi nơi ở của trẻ nhanh làm cho kế hoạch phát triển quy mô trường lớp không đáp ứng kịp, dẫn đến quá tải cục bộ học sinh.
Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị
Để đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật trước sự gia tăng dân số nhanh trên địa bàn, nhiều quận đang chuẩn bị các phương án, kế hoạch. Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, quận đã đề ra giải pháp đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị trong thời gian tới. Trước hết, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị, tạo bước đột phá về giao thông đô thị; đề xuất với TP đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP các tuyến đường giao thông trục chính theo quy hoạch, như: Đường Vành đai 2.5, đường Vương Thừa Vũ, Tôn Thất Tùng kéo dài… bảo đảm đồng bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.
Đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân, Nhà Tang lễ quận Thanh Xuân tại phường Khương Đình. Tập trung nguồn lực đầu tư, cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường: Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm, đường vào cụm 3 trường phường Thanh Xuân Nam và một số dự án trọng điểm khác. Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống đường, ngõ, ngách, nhà hội họp, sân chơi các khu dân cư. Ngoài ra, quận tiếp tục đầu tư xây dựng mới các trường học theo quy hoạch tại các khu đô thị mới, khu nhà ở thuộc các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn và cải tạo, nâng cấp các trường học hiện có nhằm đáp ứng việc gia tăng số lượng học sinh sau khi bỏ quy định riêng đối với điều kiện đăng ký thường trú…
Như vậy, để bỏ điều kiện đặc thù trong đăng ký thường trú, các chuyên gia cho rằng, cần có quy hoạch mật độ dân cư tại các quận, tránh gia tăng dân số cơ học, tránh phá vỡ hạ tầng xã hội. Cùng đó, các cấp chính quyền cần phải có chính sách đầu tư phát triển về y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở… và đưa các cơ sở sản xuất; giáo dục, dạy nghề ra các khu công nghiệp, ngoại thành, đầu tư xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành để giãn dân nội đô...
Hà Nội nên chọn phương án nới lỏng từ từ, đặc biệt là các quận có thể quy định giảm thời hạn tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên còn 1 năm. Sau đó, Hà Nội vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thay vì bỏ quy định điều kiện đặc thù trong đăng ký thường trú ngay lập tức có thể dẫn đến sự gia tăng dân số nhanh, các cấp chính quyền xã, phường không kịp trở tay.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng Công ty Luật TNHH CHD Law, Hà Nội
Việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú có thể làm gia tăng thêm dân số trên địa bàn các quận. Trong khi đó, quận Thanh Xuân nơi tôi ở “đất chật, người đông”, nếu nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú, người dân mong muốn TP đưa những cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy, trường đại học giãn ra phía ngoại thành.