Bỏ điều kiện kinh doanh với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay
Dự thảo Luật Hàng không (thay thế) đề xuất đưa 'kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay' ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) do Bộ Xây dựng đề xuất đang tiến hành điều chỉnh một số quy định nhằm cập nhật thực tiễn hoạt động ngành hàng không và tiệm cận thông lệ quốc tế. Một trong các nội dung đáng chú ý là đề xuất đưa "kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay" ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa
Theo dự thảo, điều chỉnh này nhằm đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với thực tiễn triển khai Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, dù không còn thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay vẫn được xác định là dịch vụ công ích thiết yếu, gắn với yêu cầu về an toàn bay, an ninh quốc phòng và chủ quyền vùng trời quốc gia.
Nhà chức trách hàng không sẽ tiếp tục quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ này thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Các đơn vị cung cấp dịch vụ vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hệ thống thiết bị, kỹ thuật và năng lực vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, trong bối cảnh quản lý vùng trời có liên quan đến Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng không nhân dân, trách nhiệm điều hành và kiểm soát không lưu được khẳng định không phải là chức năng kinh doanh mà là nhiệm vụ mang tính chất quốc phòng - an ninh đặc thù.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ nội dung "quy hoạch vùng thông báo bay" trong Luật Hàng không hiện hành, đồng thời bỏ mục 19 Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch. Động thái này nhằm đảm bảo thống nhất với khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch và phù hợp với thực tiễn điều hành bay hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo không quy định chi tiết về quy trình, điều kiện hành chính và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan trong Chính phủ, nhằm thực hiện các Nghị quyết 18-NQ/TW và 66-NQ/TW của Trung ương và Bộ Chính trị về cải cách tổ chức bộ máy và xây dựng pháp luật.
Một số nội dung khác cũng được đề xuất bãi bỏ, như quy định về tạm giữ, khám xét tàu bay (chuyển sang áp dụng theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính) và quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân trong nước phải đăng ký quyền đối với tàu bay. Việc đăng ký sẽ trở thành quyền lựa chọn của các bên, nhằm xác lập nghĩa vụ dân sự và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, phù hợp với Công ước Geneva 1948, Công ước và Nghị định thư Cape Town cùng Bộ luật Dân sự Việt Nam.