Hành vi chiếm dụng vỉa hè là biểu hiện văn hóa công cộng và ý thức pháp luật kém
Trong dòng chảy của đời sống đô thị hiện đại, không gian công cộng giữ vai trò thiết yếu trong việc gắn kết cộng đồng. Trong số đó, vỉa hè - phần diện tích khiêm tốn - lại đóng một vai trò đặc biệt, không chỉ đối với hệ thống hạ tầng giao thông mà còn trong việc nuôi dưỡng văn hóa công cộng của cư dân đô thị.
Không gian chung trong hạ tầng đô thị
Trong mắt nhiều người, vỉa hè chỉ là một phần bê tông nối tiếp mặt đường, một hành lang phụ dành cho người đi bộ. Nhưng trên thực tế, vỉa hè là một thiết chế mềm mang tính nền tảng trong quy hoạch đô thị. Không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, vỉa hè còn là không gian phục vụ cộng đồng, là phần không thể thiếu trong hạ tầng đô thị bền vững và là biểu tượng của văn hóa công cộng.

Các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm nơi bày bán hàng hóa hay để xe. (Ảnh minh họa)
Tại những đô thị phát triển, hình ảnh không gian chung thông thoáng, sạch sẽ và được sử dụng một cách văn minh không còn là điều xa lạ. Người dân không cần biển cấm vẫn tự giác không lấn chiếm. Chính sự tôn trọng không gian chung, được hình thành từ thói quen và giáo dục lâu dài, đã tạo nên bản sắc đô thị và nếp sống trật tự. Ngược lại, tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, tình trạng chiếm dụng vỉa hè không còn là hành vi cá biệt, mà đã trở thành “thói quen đô thị” đáng lo ngại.
Không khó để bắt gặp cảnh không gian chung bị chiếm dụng theo đủ kiểu: Xe máy, ô tô đỗ tràn lan; bàn ghế quán ăn bày sát mép đường; sạp hàng mọc san sát như một phần của “chợ tạm”. Người đi bộ - vốn là đối tượng chính cần được ưu tiên - buộc phải len lỏi xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn rình rập.
Mỗi mét vuông vỉa hè bị lấn chiếm không chỉ gây cản trở di chuyển, mà còn là một "vết nứt" trong kết cấu trật tự xã hội và ý thức cộng đồng. Nghiêm trọng hơn, sự chiếm dụng không chỉ gây bất tiện mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy. Những vật cản như xe, bàn ghế, quầy hàng... có thể che khuất miệng cống, chắn trụ cấp nước, bịt lối tiếp cận trạm cứu hỏa, làm gián đoạn hoạt động khẩn cấp. Chỉ cần vài phút chậm trễ của xe cứu thương, cứu hỏa trong giờ vàng cũng đủ để đánh đổi bằng sinh mạng con người. Trong khi đó, những tuyến phố vốn được đầu tư hạ tầng bài bản cũng trở nên méo mó bởi tình trạng sử dụng tùy tiện, phản cảm.
Ngày càng có nhiều người xem vỉa hè như tài sản riêng. Họ tự ý đặt chướng ngại vật, dựng cọc sắt, thậm chí kẻ vạch giữ chỗ như thể không gian công cộng là phần mở rộng của nhà mình. Các hành vi ấy diễn ra công khai, thậm chí lặp đi lặp lại mà chưa thể xử lý triệt để. Nguy hiểm hơn là thái độ thờ ơ từ chính cộng đồng: Không lên tiếng, không phản đối; vô tình tiếp tay cho cái sai tiếp tục tồn tại và lan rộng.
Một số đô thị lớn đã dành nhiều nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè. Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã có ít nhất 5 đợt ra quân lớn với mục tiêu “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Các chiến dịch năm 2017 và 2023 đều gây tiếng vang với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng. Nhiều tuyến phố được làm sạch trong thời gian ngắn. Một số địa bàn nội thành còn thí điểm mô hình “cho thuê vỉa hè có điều kiện”, vừa hỗ trợ sinh kế, vừa quản lý tập trung.
Thế nhưng, khi hiệu ứng của chiến dịch lắng xuống thì đâu lại vào đấy. Bàn ghế lại xuất hiện, xe máy tràn ra, hàng rong lấn chiếm. Vỉa hè nhanh chóng trở lại tình trạng lộn xộn, như thể chưa từng có bất kỳ cuộc “giành lại” nào từng diễn ra.
Nguyên nhân một phần là do thiếu lực lượng kiểm tra thường xuyên, phần khác là vì thiếu công cụ giám sát hiện đại. Hệ thống camera xử phạt tự động, ứng dụng phản ánh vi phạm của người dân vẫn còn thiếu và yếu. Nhưng sâu xa hơn cả là từ ý thức của người dân. Tất cả sự cộng hưởng này khiến mọi nỗ lực đều trở nên thiếu tính bền vững.
Đã đến lúc cần nhìn nhận lại vỉa hè không phải là vấn đề phụ, càng không thể coi là chuyện nhỏ. Đó là không gian công cộng, là tài sản chung, là bài kiểm tra về ý thức, nơi mỗi hành vi nhỏ đều góp phần định hình gương mặt đô thị. Nếu không bắt đầu từ chính vỉa hè - nơi người dân đặt bước chân đầu tiên mỗi sáng, dừng lại mỗi chiều - thì mọi khái niệm về đô thị văn minh và đáng sống cũng sẽ chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.
Nếp sống đô thị văn minh
Văn hóa công cộng không thể hình thành từ những khẩu hiệu treo nơi đầu phố hay các đợt ra quân rầm rộ. Để hình thành một nếp sống đô thị văn minh bắt đầu từ cách ứng xử với vỉa hè, cần một chiến lược đồng bộ, bài bản và lâu dài.

Khi một phần không gian công cộng bị chiếm dụng, đó là dấu hiệu cho thấy trật tự xã hội đang bị đe dọa, ý thức công dân đang bị mai một. (Ảnh minh họa)
Một trong những giải pháp quan trọng cần ưu tiên là quy hoạch lại hành lang đô thị một cách bài bản và minh bạch. Cần xác định rõ đâu là vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, đâu là khu vực có thể sử dụng linh hoạt cho mục đích thương mại có kiểm soát, và đâu là không gian bắt buộc phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được lấn chiếm dưới bất kỳ hình thức nào. Khi ranh giới chức năng được phân định rõ ràng, việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm mới có thể thực hiện hiệu quả.
Song song đó, hạ tầng giao thông tĩnh cũng cần được đầu tư đồng bộ. Tình trạng thiếu bãi đỗ xe hợp pháp chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc chiếm dụng vỉa hè. Việc phát triển bãi đỗ xe ngầm, nhà xe công cộng hay khu đỗ xe thông minh tại khu dân cư, bệnh viện, trường học… cần được thúc đẩy càng sớm càng tốt.
Trong thời đại số, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị là xu hướng tất yếu. Từ hệ thống camera giám sát, phần mềm tiếp nhận phản ánh vi phạm, đến việc công khai hóa kết quả xử lý - tất cả cần được triển khai rộng rãi để tăng tính minh bạch và sự giám sát ngược từ người dân.
Cốt lõi trong việc gìn giữ văn hóa công cộng chính là nâng cao ý thức của mỗi người dân. Cần hiểu rằng vỉa hè là không gian chung, nơi mọi người đều có quyền sử dụng và trách nhiệm bảo vệ. Khi nhận thức thay đổi, hành vi mới có thể thay đổi bền vững. Bên cạnh đó, vai trò nêu gương từ cán bộ, cơ quan công quyền là yếu tố then chốt. Sự gương mẫu sẽ tạo nên niềm tin và thúc đẩy cộng đồng cùng hành động.
Trả lại vỉa hè đúng chức năng, giữ gìn lối đi thông thoáng, sạch đẹp, đó chính là cách mỗi công dân chung tay kiến tạo một đô thị kỷ cương, văn minh và đáng sống, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.